Monday, February 9, 2015

Thế nào là một đời sống đạo đức?

n
Ở bất cứ một trường học nào của các quốc gia trên thế giới cũng đều có dạy môn nầy. Ngày xưa tại Việt Nam ở bậc tiểu học có dạy môn: Công Dân Giáo Dục hay Đức Dục. Cứ mỗi sáng Thầy Cô giáo trước khi dò bài học sinh đều viết lên bảng đen một câu cách ngôn hay tục ngữ. Ví dụ:

• Tiên học lễ, hậu học văn
• Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây
• Nhơn bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí, ấu bất học lão hà vi?
• Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn v.v…

Còn rất nhiều câu rất hay, tuy ngắn gọn; nhưng nội dung rất súc tích, nhằm trưởng dưỡng cái tâm của đứa bé khi bước vào lớp; khi trở về nhà phải chào Thầy như thế nào, phải thưa cha mẹ như thế nào trước khi đến trường và sau khi từ trường về v.v… Người ta trước khi học chữ, phải học lễ nghĩa. Đó là cái đạo làm người ngày xưa. Bây giờ có thể khác. Câu “trọng Thầy mới được làm Thầy” ở nhà trường ít có thực hiện. Học trò bây giờ xem ông Thầy nhiều lúc chẳng ra gì cả. Còn Cô giáo thì khổ tâm hơn. Nếu bị học trò ghẹo, nhiều lúc bỏ dạy. Cái “học đường là lò đúc nhân tài” ấy ngày nay nó biến thái rất nhiều rồi.

Ở bậc Trung Học người ta vẫn còn dạy môn Công Dân Giáo Dục và Đạo Đức Học. Ở Nhật ngay cả khi lên bậc Đại Học vẫn còn học môn học đạo đức của người lớn để ứng dụng vào đời khi phải cần xử sự với thế nhân. Khi nhỏ nếu không đi học, lớn lên chẳng biết làm gì là một câu châm ngôn rất hay, để khuyên rằng chúng ta ai ai cũng phải đi học và “không Thầy đố mầy làm nên” là lẽ đương nhiên. Cái gì không có Thầy mà mình làm được thì ở đây có 2 lối giải thích :

Một là làm bậy, không đâu vào đâu cả
Hai là mình quá thông minh biệt chúng, không cần Thầy mình vẫn có thể hơn người.
Do đây mà có người thường hay nói: Phật tại tâm, đâu cần phải đi chùa mới có Phật. Câu nói ấy đúng chứ không sai; nhưng cái tâm nầy theo Chu Tử nói: “nó lại bềnh bồng” khó giữ cho cái tâm nầy ở nhà cho yên tĩnh để trở thành Phật được. Đây là lý do mà đứa bé cần phải đi đến trường và cả người lớn cũng phải như thế nữa. Người tín đồ phải đi chùa. Dĩ nhiên đối với Phật Giáo không bắt buộc; nhưng nếu để được đủ tư cách thì phải thêm điều kiện ắt có phía trước là vậy. Thử hỏi ai trong chúng ta có ai không đi học mà biết chữ đâu? Và có ai trong các vị Tổ Sư, các vị A La Hán, các vị Bồ Tát, các vị Phật không hạ thủ công phu, không tu hành nghiêm mật và thành được những bậc khó có trong đời ấy đâu?

Con người mà không có học là không biết cái đạo lý trong cuộc đời. Cái lý đó không phải là cái lý của kẻ mạnh được yếu thua, mà cái đạo lý, cái luân lý, cái thuần phong mỹ tục. Cái ấy đẹp đẽ như bông hoa, như mùi hương là những thứ mà nó thể hiện trọn vẹn ở một cái thân cây sần sùi để mang hương sắc đến tô điểm cho đời. Còn ta cũng vậy, tuy rằng sống trong thế trần nhiều nhiễu nhương nầy; nhưng cũng có thể mang cái học, cái đẹp của đời của đạo để dâng hiến cho đời thì cuộc đời kia mới thêm tươi mát chứ? Trong kinh có câu rằng:
“Nhứt nhơn tác phước thiên nhân hưởng
Độc thọ khai khoa vạn thọ hương”

Nghĩa là:

Một người làm phước ngàn người hưởng
Một cây trổ hoa mười ngàn cây được thơm lây.
Đó là cây phước đức, cây nhân nghĩa, cây hồng, cây thược dược, cây vạn thọ, cây dạ lý hương, cây hoa quỳnh v.v…

Ngọc dầu quý đến đâu mà không giũa không mài nó cũng không thể sáng và đẹp được. Phải siêng năng, phải dụng công. Cũng như thế đó tâm ta dầu là có Phật tánh đi nữa cũng phải luôn luôn lau chùi thì tánh Phật kia mới sáng. Ta và Phật khác nhau rất nhiều; nhưng giống nhau ở tánh Phật. Cũng giống như sóng và nước không giống nhau; nhưng giống nhau ở tánh ướt. Lửa và củi không giống nhau; nhưng giống nhau ở tánh nóng. Nếu không có củi thì lửa sẽ không cháy; nếu lửa không có thì củi cũng trơ trọi một mình. Trong cái nầy nó chứa cái kia và trong cái kia nó chứa cái nọ. Không có vật nào là tự sinh và chẳng có vật nào sống độc lập cả. Ta không thể sống một mình trong thế gian nầy được. Dầu là kẻ sinh ra sống trong rừng không cần đến quần áo để mặc; nhưng phải cần nước để uống, trái cây và thú rừng để ăn. Nếu không thì sẽ chết và một cái gọi là cá thể độc lập ấy nó chẳng có ý nghĩa gì cả với hệ luận dây chuyền của cuộc sống nầy.

Ngôn ngữ chữ Hán nó biểu hiện trọn vẹn được những định nghĩa nầy nên tại đây chúng ta có thể nghiên cứu tìm hiểu đến ý nghĩa của 2 chữ Đạo (道) và chữ Đức (德).

Chữ Đạo chỉ có 2 bộ ghép lại. Đó là bộ Sước (过) và bộ Thủ (首). Bộ Sước (过) có nghĩa là chợt đi, chợt dừng lại, ý nói có lúc di động, có lúc đứng lại. Bộ Thủ (首) có nghĩa là: đầu, như chúa, chức Tổng Thống, Thủ Tướng, kẻ Trùm trưởng, trước nhất, một thiên bài (thơ). Định nghĩa chung chữ Đạo (道) là con đường cái thẳng, một đạo lý mà ai cũng phải noi theo cái lẽ nhất định ấy.

Đức (德) có bộ sách (彳) và 4 chữ sau là thập (十), tứ (四), nhứt (一) và tâm (心). Bộ sách (彳) có nghĩa là bước ngắn, bước chân trái gọi là sách, bước chân phải gọi là xúc. Chữ thập (十) là mười; chữ tứ (四) là bốn; chữ nhứt (一) là một và chữ tâm (心) là tim, là chỗ nghĩ ngợi, tư tưởng, trong 28 sao có một vì sao tâm và cũng có nghĩa là cái gai nữa. Chữ tâm (心) nầy mới là mấu chốt của vấn đề. Cũng cái tâm ấy nó thành Phật thành Tiên, mà cũng cái tâm ấy làm cho con người bị đọa lạc trầm luân khổ ải. Như vậy chữ Đức (德) có nghĩa là đạo đức là cái đạo để lập thân, đức hạnh, thiện, cái khí tốt. Ngày xưa khi còn nhỏ để học thuộc chữ nầy cho dễ dàng chúng tôi đặt thành bài thơ 2 câu để diễn tả chữ ấy thì sẽ thuộc ngay và không bao giờ quên được.

Con cu nó đậu nhành mè (bộ sách)
Chữ thập (十) chữ tứ (四) nhứt (一) đè chữ tâm (心).

Đó là chữ Đức. Như vậy Đạo Đức có nghĩa chung là con đường đạo lý mà con người muốn lập thân phải noi theo cái lẽ nhất định ấy. Đó là Đạo Đức (道 德). Vậy thì ai muốn lập thân, muốn làm lớn, muốn trở thành kẻ dẫn đầu chúng sanh, cầm đầu thiên hạ thì không thể không đi trên con đường đạo đức ấy được. Mà cái đạo đức ấy ngày xưa phải là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bây giờ thì ngược lại thân không tu, gia không tề mà lo đi trị quốc và bình thiên hạ trước. Cho nên xã hội nó đảo điên, gia đình ly tán là phải.

Nếu Phật không chế ra giới luật thì Tăng Ni, Phật Tử ngày nay lấy đâu mà tu hành, mà đầu tiên bản thân của Ngài phải là người mô phạm trước. Ngài đã là một bậc Thầy của Trời và Người rồi đó, ai ai cũng đều quy ngưỡng; nhưng Ngài luôn khuyên chúng ta rằng: nên nương vào ngón tay để thấy mặt trăng, chứ đừng lầm ngón tay là mặt trăng. Mặt trăng mới là chân lý, không thay đổi. Còn ngón tay chỉ là phương tiện, có thể xê dịch qua lại, cho nên chớ lầm. Bởi vậy Phật dạy rằng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.

Nghĩa là:

Kẻ nào dùng hình tướng để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ ấy hành tà đạo
Không bao giờ thấy được thực tướng của Như Lai.

Xem đó thì phương tiện và mục đích nó khác nhau nhiều lắm. Đến đích rồi thì bỏ phương tiện, không cần nhắc nhở đến nữa; nếu chỉ cố chấp vào phương tiện thì mình vẫn bị quay cuồng trong sanh tử, chứ khó thoát khỏi bến mê. Bởi vậy mà Lục Tổ Huệ Năng đi đốn củi trong rừng để kiếm tiền nuôi mẹ già người họ Lư, khi nghe đến câu: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang liền ngộ ngay là vậy. Nghĩa là “nên sanh cái tâm nầy vào nơi không có chỗ”. Nơi không có chỗ là nơi nào? Là nơi Niết Bàn Diệu Tâm, là nơi tu nhi vô tu, hành nhi vô hành và chứng nhi vô chứng đó. Đó mới thật là đạo đức chân thật của cuộc đời.

Cái đạo đức của một con bò, con ngựa là nhờ hàng rào kẽm gai rào chung quanh thửa ruộng cho nên nó không ăn lúa và hoa mầu của những đám đất chung quanh. Cái đạo đức của con ngựa, con voi là có nhờ dây cương và người nài. Còn cái đạo đức của con kiến là gì? Nó biết thương đồng loại nó lắm đấy. Dĩ nhiên là chỉ loài kiến của nó mà thôi, chứ loài kiến khác là nó cắn liền. Tôi ở Tu Viện Đa Bảo nầy trên núi rừng có cơ hội để xem những con kiến nó làm tổ, chuyên chở đất và tìm thức ăn cho mình thì mới thấy cái ý chí và cái đạo đức của nó cũng cao lắm đấy. Khi chúng tha được con mồi thì chúng cùng khiêng với nhau, khi vào hang chẳng biết thế nào, chắc chắn là chúng ăn chung với nhau chứ; nhưng được một cái là nó chung sức chung lòng. Còn con người thì chắc là khác? Khi được miếng mồi ngon và lớn như thế đa phần chỉ muốn giữ riêng cho mình. Rồi tôi quan sát chúng chuyên chở đất từ dưới lên trên miệng hang. Con nào cũng siêng năng chuyên chở, chẳng có con nào nạnh hẹ với nhau cả. Chỉ có một bầy kiến nhỏ vậy thôi mà nó un thành một ụ cao giữa sân như vậy, thử hỏi nó siêng năng biết là dường nào?

Khi chúng tôi về ở và nhập thất nơi đây lúc nào cũng thấy những con chim lạ, con két, con sáo chúng nó luôn luôn đi có bầy và ít nhất cũng là 2 con chứ ít đi một mình. Khi chúng thấy mình thân cận thì nó gần gũi đến xin ăn, ca hót cho mình nghe. Lúc ấy người và vật không còn nghi kỵ, sợ hãi với nhau nữa. Nghĩa là đã có một lòng tin là những người nầy không bắt nó làm thịt.

Mỗi chiều khi ăn cơm xong chúng tôi đem thức ăn thừa ra để ngoài gốc cây trong rừng cho thú vật. Mỗi sáng ra chúng tôi quan sát thấy chúng ăn sạch nhẵn và rất gọn gàng. Thức ăn nhiều lắm; nếu một con ăn thì con vật ấy ắt phải lớn lắm mới ăn hết đồ ăn như vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ là con beo rừng, vì thấy dấu chân lưu lại lớn lắm; nhưng Hòa Thượng Bảo Lạc và Thầy Phổ Huân thì bảo là con Kỳ Đà. Mà con Kỳ Đà và rắn mối ở xứ nầy cũng rất lớn. Có lần tôi bắt gặp ở chùa Pháp Bảo và Thầy Phổ Huân thấy nó ở Đa Bảo nầy dài cũng 8 tấc đến một thước là ít. Nơi đây có rất nhiều giống vật lạ. Chúng còn hồn nhiên với thiên nhiên lắm. Không biết một mai đây khi con người giành hết đất của chúng rồi, thì chúng ở nơi đâu và lấy gì để ăn mà nuôi thân? Các nhà sinh vật học nói rằng ngày xưa những con khủng long rất lớn, như bây giờ chúng ta còn thấy những bộ xương của chúng trong Viện Bảo Tàng vậy; nhưng trải qua mấy triệu năm chúng biến thể để trở thành con rùa và con cá sấu, rất nhỏ, không to lớn như ngày xưa nữa. Xứ Úc nầy cũng có những con vật lạ lùng như thế. Bởi vậy con Kanguru tiếng Tàu kêu là con Đại Thử tức là cái túi lớn, chứ không có chữ khác để dùng khi gọi con vật nầy bằng tiếng Tàu.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống