Sunday, October 5, 2014

Từ Dung và Từ Công Phụng – “Trên ngọn tình sầu”

"Mùa Thu Mây Ngàn" 
Từ Dung - Từ Công Phụng
pic
Đoàn Thạch Hãn

Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, là nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng giai đoạn 1955 – 1975 tại miền Nam. Ông có thể hình to lớn, nhưng phong thái lại rất nghệ sĩ, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, dễ gây thiện cảm với mọi người.

Là người dân tộc Chăm, được chính quyền Sài Gòn ưu đãi theo chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Vì thế, chưa tốt nghiệp tú tài, Từ Công Phụng đã được ưu tiên vào học trường đại học quốc gia Hành chính. Tuy nhiên, chỉ học được hơn một năm thì ông bỏ học, đi làm biên tập viên cho một đài phát thanh. Không như nhiều bài báo trong và ngoài nước cho rằng Từ Công Phụng đã tốt nghiệp cử nhân Luật tại Sài Gòn.

Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và tâm hồn nhạy cảm, Từ Công Phụng tự học để trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sáng tác. Năm 1960, ông ra mắt ca khúc đầu tay Bây giờ tháng mấy khi vừa tròn 18 tuổi và ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Có thời gian Từ Công Phụng sống tại Đà Lạt và cùng Lê Uyên Phương thành lập nhóm nhạc Ngàn Thông, biểu diễn hàng tuần trên đài phát thanh Đà Lạt. Không dữ dội như Lê Uyên Phương, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, sang trọng. Ông còn có khả năng phổ nhạc cho thơ, đặc biệt là thơ của Du Tử Lê. Tiêu biểu như những bài Trên Ngọn tình sầu, Ơn em…

Từ Công Phụng

Năm 1968, Từ Công Phụng gặp Từ Dung – cô gái có làn da trắng, đẹp lộng lẫy, từng đoạt danh hiệu Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp tại miền Nam. Đôi trai tài gái sắc này sau đó nên duyên chồng vợ.

pic
Từ Dung
Sinh năm 1945, Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là cháu ruột của hai nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp Tú tài toàn phần và đến năm 1969 lấy bằng cử nhân văn chương.

Từ Dung rất say mê ca hát và cũng được trời ban cho một chất giọng khá hay. Lúc bấy giờ, cô đang theo học thanh nhạc với ca sĩ Châu Hà, vợ của nhạc sĩ Văn Phụng. Chính môi trường này đã đưa đẩy Từ Dung gặp gỡ rồi quen biết với Từ Công Phụng. Lần đầu họ xuất hiện bên nhau trên sân khấu quán Văn ở đại học văn khoa với ca khúc Bây giờ tháng mấy.

Vào thời điểm này, có 3 cặp đôi nổi đình nổi đám là thần tượng của thanh niên, sinh viên, học sinh: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên – Phương, Từ Dung – Từ Công Phụng. Mỗi cặp một đặc điểm riêng nhưng giống nhau ở chỗ giọng nam kiêm luôn sáng tác. Trong 3 cặp này thì Từ Dung – Từ Công Phụng ít nổi tiếng hơn nhưng cũng là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc dạo đó.

Sống với nhau có một con gái thì Từ Dung – Từ Công Phụng chia tay, một cuộc chia tay khá buồn! Chẳng ai biết được nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này. Nhưng theo một người quen thân của cặp đôi, vào một chiều 30 Tết, người này tình cờ gặp Từ Công Phụng trên đường và họ rủ nhau đi bộ về nhà. Dọc đường, Từ Công Phụng tâm sự hết nỗi niềm của mình với những lời trách móc Từ Dung. Nhưng đó cũng chỉ là những lời từ phía của Từ Công Phụng, còn Từ Dung thì chẳng nghe nói một lời nào.

Năm 1980, Từ Công Phụng sang Mỹ, định cư tại Portland, tiểu bang Oregan và lập gia đình mới với một người phụ nữ tên là Kim Ái. Thời gian này, Từ Dung còn ở lại Việt Nam, bà mướn một căn phòng trong cư xá Ngân hàng, quận 3 và có biểu hiện tâm thần. Bà ít khi mở miệng nói với ai một lời nào. Đêm đêm, bà thường khỏa thân ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như một pho tượng. Một thời gian sau, Từ Dung qua cơn trầm cảm và cũng sang định cư tại Mỹ và sinh sống tại tiểu bang Hawaii. Từ Dung cũng đã lập gia đình khác với một người đàn ông Mỹ.

pic
Từ Công Phụng và vợ hiện tại.

Ở Mỹ, Từ Công Phụng vẫn tiếp tục cuộc đời sáng tác và ca hát, ông đã nhiều lần về thăm quê nhà và ít nhất đã có hai lần biểu diễn tại một phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn, cuối năm 2012, ông có đêm nhạc riêng tại Nhà hát TP.HCM. Còn Từ Dung thì im hơi lặng tiếng, chẳng còn nghe ai nhắc đến tên bà nữa. Ngay cả Từ Công Phụng trong các bài phỏng vấn cũng chỉ nói đến Kim Ái và các con sau này – như Từ Dung chưa bao giờ xuất hiện trong sự nghiệp và cuộc đời của ông. Mọi chuyện dường như đã chìm hẳn vào quên lãng. Âu đó cũng là nỗi đau “hồng nhan bạc phận” của Từ Dung.





No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

  1. ĂN TRÔNG NỒI, NGỒI TRÔNG HƯỚNG
  2. Kín cổng cao tường
  3. Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
  4. Kẻ tám lạng người nửa cân
  5. Hồn xiêu phách lạc
  6. Hàng tôm hàng cá
  7. Há miệng mắc quai
  8. Há miệng chờ sung
  9. Gửi trứng cho ác
  10. Giàu làm kép hẹp làm đơn