Saturday, May 26, 2018

Nhà thơ Du Tử Lê

pic

Nhà thơ Du Tử Lê
Mặc Lâm
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Ông làm thơ rất sớm và bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1957.

Vào năm 1972, Du Tử Lê được trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hòa, bộ môn thơ với tuyển tập “Thơ Du Tử Lê 1967-1972”. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục sáng tác cho đến hôm nay.

Du Tử Lê cũng là một nhà báo chuyên nghiệp, một phóng viên chiến trường thời chiến tranhViệt Nam. Ông từng là đại uý trong QLVNCH và là thư ký tòa soạn cuối cùng của Nguyệt san Tiền Phong.

Sau khi ra khỏi trại tỵ nạn Pendleton ở Nam California hồi 1975, ông tham gia ngay vào lĩnh vực báo chí tại hải ngoại. Ông từng là chủ nhiệm tờ báo văn học, chính trị Nhân Chứng, rồi tuần báo Tay Phải và sau cùng là tờ Văn Nghệ ở Houston vào đầu thập niên 90.

Du Tử Lê là nhà thơ duy nhất được các báo lớn của Mỹ như tờ New York Times, Los Angeles Times phỏng vấn và đăng tải thơ. Ngoài ra, thơ của ông đã được dùng để giảng dạy tại các Đại học lớn của Hoa Kỳ và Âu Châu. Ông cũng được mời diễn thuyết về thơ Việt Nam ở các đại học lớn của Mỹ và cả Âu Châu trong đó có hai lần ở Harvard và những khóa hội thảo dành cho giáo sư Mỹ.

Gần đây nhất, hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam tại Houston, Texas đã tổ chức chương trình vinh danh ông với chủ đề “Du Tử Lê, 50 năm trên ngọn tình sầu”. Hôm nay chúng tôi mời quý vị thưởng thức vài bài thơ nổi tiếng của ông để hiểu thêm một ít trong những khía cạnh thi ca của nhà thơ được rất nhiều người biết tiếng này.

Nỗi buồn xa xứ

Là nhà thơ nổi tiếng và lìa nước ra đi rất sớm, Du Tử Lê mang nặng sự thống hối khi xa quê hương như phần đông người Việt xa xứ. Có điều, khác với chúng ta, nhà thơ đã tận dụng năng khiếu thi ca của mình để khoát lên nỗi buồn xa xứ những chiếc áo thấm đẫm hoài cảm và phảng phất điều mà con người hằng lo sợ nhất đó là chết nơi xứ người.

Tâm lý này đã từ lâu ăn sâu vào tiềm thức chúng ta vì văn hóa, trong đó đề cao mồ mã như một thực thể tiếp nối sau khi bước vào thế giới khác. Du Tử Lê đã viết chúc thư cho ngày chết của mình với một ước ao duy nhất:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển đời lưu vong không cả một ngôi mồ vùi đất lạ thịt xương e khó rã hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi bên kia biển là quê hương tôi đó rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Không biết biển cả có vui lòng thực hiện lời di chúc của nhà thơ về với đất mẹ hay không nhưng chắc một điều rằng, nỗi buồn của tác giả chỉ có thể chấm dứt ở hơi thở cuối cùng:

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

Tiếng thở dài của Du Tử Lê không chấm dứt, trong khi được mang ra biển, nhà thơ vẫn còn ngoảnh lại xem có ai trong những người đưa tang mình lên tiếng hát bài quốc ca mà đã quá lâu nhà thơ không được nghe ai hát.

Bài hát quốc ca, kể từ khi xa xứ đã trở thành kỷ vật, nằm quạnh hiu trong ký ức và khi được nghe ai hát lại, người ta trở nên nhân bản hơn, hiền dịu hơn vì được mang trở về chốn cũ lắng nghe hơi thở của đất mẹ. Nhà thơ thở dài thương cho thân phận bài hát nay đã trở thành niềm hoài tưởng, hay nhà thơ đang thở dài cho thận phận lạc cư của mình?

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển và trên đường hãy nhớ hát quốc ca ôi lâu quá không còn ai hát nữa (bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Không ai có thể nghĩ rằng sau này chúng ta có thể liên lạc với trong đất nước được. Lúc đó mẹ và vợ con tôi còn kẹt tại Việt Nam, trong xúc động tôi viết bài “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” nó giống như một mơ ước.

Tôi xin nhắc rằng hồi đó nếu ai qua năm 75 thì cho đến năm 77 chúng ta không có một sinh hoạt nào hết cho nên ngay cả cái câu mà nhiều người thắc mắc : “Ôi lâu quá không còn ai hát nữa, bài hát giờ cũng như một hồn ma” lúc ấy chúng ta hoàn toàn tuyệt vọng.

Cuộc chiến Mậu Thân đầy nước mắt

Nhà thơ Du Tử Lê vừa cho chúng ta biết đôi điều về bài thơ “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” miêu tả lại tâm trạng chung của những người ra đi vào thời gian đầu sau khi cuộc chiến kết thúc. Riêng về bài thơ “Khúc Thụy Du” thì theo ông có một tiểu sử đầy những xác người của cuộc chiến Mậu Thân đầy nước mắt:

Đầu năm 1968 khi tôi được cục Tâm Lý Chiến cử đi mặt trận ở Cây quéo, tôi đi qua nhiều đoạn đường mà xác chết của dân chúng cũng như của hai phía vung vãi khắp nơi tôi cũng thấy những con chó gặm những thi thể này và tôi viết bài thơ Khúc Thụy Du trong bối cảnh này…sự thực thì bài thơ đặt vấn đề những người yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh như vậy thì số phận của tình yêu đó phải được nhìn như thế nào?

tôi làm ma không đầu tôi làm ma không bụng tôi chỉ còn đôi chân hay chỉ còn đôi tay sờ soạng tìm thi thể quờ quạng tìm trái tim lẫn tan cùng vỏ đạn dính văng cùng mảnh bom thụy ơi và thụy ơi

Nhà thơ tuy diễn tả cuộc chiến bằng những từ ngữ rất mạnh rất ấn tượng nhưng nghe sao vẫn đậm chất lãng mạn, trữ tình. Điệp khúc Thụy ơi và thụy ơi lập đi lập lại gây cho người nghe cái cảm giác của tình nhân gọi tình nhân và đúng như nhà thơ nói, bài thơ đặt vấn đề những người yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh như vậy thì số phận của tình yêu đó phải được nhìn như thế nào?

Khi nhạc sĩ Anh Bằng đưa bài thơ trở thành bất hủ qua dòng nhạc của ông thì người nghe hoàn toàn không còn một ý niệm nào về chiến tranh cả. Thân phận người nam trong bài thơ trở thành định mệnh, và con chim bói cá bay lẩn quẩn đâu đó trong đời sống thường nhật sẽ thay thế vĩnh viễn tính thuần nhất của tình yêu đôi lứa bằng những ám ảnh khôn nguôi của cái chết.

như con chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm tôi tìm đời đánh mất trong vũng nước cuộc đời …..

như con chim bói cá tôi lặn sâu trong bùn hoài công tìm ý nghĩa cho cảnh tình hôm nay ……

mịn màng như nỗi chết hoang đường như tuổi thơ chưa một lần hé nở trên ngọn cờ không bay đôi mắt nàng khôn khép bàn tay nàng khôn thưa lọn tóc nàng đêm tối khư khư ôm tình dài

Phạm Đình Chương đã phổ bài “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” của Du Tử Lê trong một giây khắc của đồng cảm sau nhiều tháng nhìn ngắm và suy tưởng. Kết quả là bài thơ này nhanh chóng đi vào tâm hồn của người Sài Gòn xa quê với tốc độ không thể đo đếm bằng phương tiện của khoa học mà chỉ có thể hình dung bằng chính quả tim mình.

Tốc độ tình yêu

Đó là tốc độ tình yêu. Vâng, chỉ có tình yêu nồng nàn lắm mới có thể nhào nắn ngôn ngữ trở thành hình tượng sống động và bồi hồi như vậy. Du Tử Lê tự ngắm mình, buông một một tiếng thở dài trong mông quạnh của cuộc đời xa xứ nhưng khi nhớ về Sài Gòn, ông dịu dàng như không thể dịu dàng hơn với những hình ảnh tuyệt đẹp chỉ có trong thi ca:

Đêm về theo vết xe lăn Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng Tìm tôi đèn thắp hai hàng Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây

Ngỡ hồn ta xứ mưa bay Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa Đêm về theo bánh xe qua Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh

Nhớ em kim chỉ khứu tình Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè Nắng Trương Minh Giảng trưa hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường Đêm về theo vết xe lăn Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?

Du Tử Lê nổi tiếng là thi sĩ có nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc nhất trong nhiều thập niên. Âm nhạc một phần nào chuyên chở tình ý và ngôn ngữ thơ của ông đến với người nghe và âm nhạc cũng chứng tỏ nhiều khả năng thẩm thấu vào tâm hồn một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó ngồi riêng một mình, cùng một bài thơ của Du Tử Lê, người đọc sẽ có một cảm giác khác. Cảm giác bài thơ còn trong trạng thái thô, tươi và hơi thở của chữ nghĩa sẽ lan tỏa trên từng dòng từng chữ. Thơ của ông nếu được im lặng chiêm nghiệm sẽ hiện lên nhiều khoảng không bất ngờ.

Những khoảng không thinh lặng cần suy tưởng và hòa nhập khiến thơ Du Tử Lê vừa mang tính trãi nghiệm lại vừa bàng bạc ngôn ngữ thi ca quyện lẫn vào nhau trở thành chất keo kết dính một cách quyến rũ, khiến thơ của ông đứng riêng, rất riêng một chỗ cô đơn và tuyệt đẹp.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống