Tuesday, July 4, 2017

Tưởng tượng, hư ảo và vũ trụ luận mới trong thơ Hàn Mặc Tử

pic

Mộ Hàn Mặc Tử – Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Thụy Khuê
Hàn Mặc Tử dùng tưởng tượng để tạo ra một thế giới hư ảo, nên việc đầu tiên khi khảo sát thơ Hàn là phải xác định thế nào là tưởng tượng (imagination) và hư ảo (imaginaire).

Những người làm thơ đều biết yếu tố chủ chốt trong thơ là hình ảnh (image). Khi nhà thơ tạo được một hình ảnh lạ, câu thơ tăng thêm giá trị. Thông thường người ta vẫn cho rằng: trí tưởng tượng (imagination) tạo nên hình ảnh (image). Gaston Bachelard, khi phân tâm vật chất, đã đưa ra một giải thích khác hẳn:

Trí tưởng tượng bóp méo (déformer) hình ảnh, nó giúp chúng ta thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được, để đi đến những hình ảnh vắng mặt. Nếu một hình ảnh trước mắt không dẫn đến một hình ảnh vắng mặt, hoặc một hình ảnh thoáng qua không dẫn đến một chuỗi hình ảnh khác đang lang thang đây đó, thì không có tưởng tượng. Vậy cái cơ bản trong tưởng tượng (imagination) không phải là hình ảnh (image) mà là hư ảo (imaginaire). Nhờ hư ảo mà tưởng tượng mở ra, dẫn ta đến những chân trời mới lạ, những hình ảnh khác thường.

Một hình ảnh cố định, không có giá trị cao trong thơ. Một câu thơ hay luôn luôn dẫn ta vào những chuyến viễn du.

Những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử là những chuyến viễn du hư ảo đó.

Bachelard còn tìm thấy điều này nữa: người ta không tưởng tượng từ một vật cụ thể như cái bàn, cái ghế, mà người ta tưởng tượng từ một vật chất. Bachelard xác định bốn yếu tố (vật chất) cơ bản mà tưởng tượng dựa vào là lửa, nước, đất và trời (không khí). Nếu đem khoa phân tâm vật chất của Bachelard chiếu vào trường hợp Hàn Mặc Tử, chúng ta sẽ có những ánh sáng mới về thơ Hàn.

Trí tưởng tượng giúp Hàn tạo ra những hình ảnh hư ảo, những quang cảnh hư ảo, tạo ra một vũ trụ luận mới. Và óc tưởng tượng của Hàn dựa trên hai yếu tố vật chất xác định: Nước và trăng.

Tưởng tượng và hư ảo

Nhờ trí tưởng tượng phi thường, Hàn Mặc Tử đã hư ảo hoá thực tại, trong một vũ trụ luận mới. Lấy ví dụ trăng, là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thơ Hàn: tại sao Hàn Mặc Tử có thể tạo ra những trăng khác thường, không giống bất cứ một thứ trăng nào có trước? – Nhờ tưởng tượng.

Trăng là hình ảnh thông thường trong đời sống hàng ngày và trong thi ca. Dưới mắt chúng ta, trăng là một cái gì cố định, dù trên thực tế khoa học, trăng có di chuyển, nhưng mắt thường không thể thấy được, cho nên mỗi khi nhìn trăng, ta thấy một thực thể bất động trên bàu trời đêm.

Trong thi ca cổ điển, tác giả thường phản ảnh vừng trăng quen thuộc ấy của chúng ta:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Kiều)

Trăng của Nguyễn Du là trăng hiện thực và tâm lý. Nhìn trăng lưỡi liềm, Nguyễn Du liên tưởng đến sự phân chia đôi ngả giữa hai người tình. Nguyễn Du cho trăng những hình ảnh và những ý nghiã gần với những điều mà chúng ta biết về trăng: “Tuần trăng khuất, điã dầu hao”, “Lần lần, ngày gió đêm trăng”, “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”. Trăng của Nguyễn Du vẫn còn là trăng, Nguyễn Du sáng suốt, chưa đi vào cõi hư ảo. Và đó cũng là tính chất chung của thơ cổ điển, bởi trong nghệ thuật cổ điển, tưởng tượng chưa đóng một vai trò quan trọng.

Thơ Mới cũng nhìn trăng trong vị trí cố định như chúng ta, nhưng nhà thơ chiếu những cái nhìn khác nhau vào vừng trăng để tìm ra những khiá cạnh mới, những lối nói mới:

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi (Trăng, Xuân Diệu)

Trăng vẫn là trăng, nhưng Xuân Diệu đã nhân trăng lên nhiều lần: nhiều trăng quá. Hoặc cũng có thể hiểu nhiều trăng quá là nhiều ánh trăng quá viết gọn lại. Nhưng cảnh vẫn là cảnh thật trước mắt, rất nên thơ nhưng chưa hư ảo.

Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng
Tôi sợ đường trăng dậy tiếng vang (Trăng, Xuân Diệu)

Trăng vẫn là trăng: ánh trăng được nhà thơ gọi là vàng, và con đường đầy ánh trăng được viết tỉnh lược thành đường trăng.

Tóm lại, dù dưới những hình ảnh nên thơ, trăng trong Thơ Mới vẫn là trăng hiện thực, hiện hữu.

Hàn Mặc Tử không nhìn trăng như những nhà thơ cổ điển, và cũng không nhìn trăng như những nhà thơ Thơ Mới.

Trong thơ Hàn, trăng không còn là trăng nữa.

Hàn không nhìn trăng như một hình ảnh cố định trên bàu trời, mà Hàn cho trăng một nội dung, một ngoại hình khác hẳn. Nhìn trăng trước mắt, Hàn tạo ra những hình ảnh khác và nói theo cách phân tích của Bachelard, thì trí tưởng tượng đã giúp Hàn thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được về trăng, để đi đến những hình ảnh khác, vắng mặt, đến một chuỗi hình ảnh đang lang thang đâu đó trong tâm trí của Hàn. Vì vậy, trăng của Hàn luôn luôn thay đổi hình hài, luôn luôn di chuyển, hành động, chứ không cố định, bất động như trăng thật.

Hỡi trăng hãy chặt khóm thùy dương (Tiếng vang)

Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha (Vịnh hoa cúc)

Đêm vắng gần kề say chén nguyệt (Trồng hoa cúc)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi (Bẽn lẽn, trong tập Gái quê)

Ô kià, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe (Bẽn lẽn)

Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình (Uống trăng, trong tập Gái quê)

Có ai nuốt ánh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga (Uống trăng)

Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến nến rơi châu (trích theo Chế Lan Viên, không biết bài nào)

Trên đây mới chỉ là những câu thơ trong giai đoạn đầu, khoảng 1931-33, lúc Hàn mới bước vào thơ, mà toàn là tuyệt bút cả. Bởi Hàn có một trí tưởng tượng phi phàm, Hàn đưa trăng vào giấc mơ, thoát trăng ra khỏi ý nghiã thông thường và cho trăng những địa chỉ, những căn cước, những tình huống lạ kỳ, huyền diệu. Chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm trăng như thế trong thơ, văn của Hàn, dọc suốt cuộc đời.

Trăng của Hàn đổi sắc, đổi giống, đổi thể, đổi ngôi, đổi chất, trăng Hàn có thiên hình vạn trạng. Trăng trong câu “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối” là trăng con trai. “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu” là trăng con gái, là trăng ma nữa. Trăng trong “Có ai nuốt ánh trăng vàng” là trăng ngọc lỏng, trăng trong “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt” là trăng phản bội …

Nhờ óc tưởng tượng kỳ vĩ, Hàn tạo ra nhiều hình ảnh dị kỳ, khiến người ta tưởng những hình ảnh này là siêu thực. Thật ra Hàn không biết đến siêu thực, bởi siêu thực ra đời sau. Bản tuyên ngôn của Breton mãi đến năm 1925 mới xuất hiện và lý thuyết siêu thực dựa trên triết học Freud, với cách tạo hình lắp ghép, khác hẳn với “kỹ thuật” tạo hình của Hàn.

Dù siêu thực nói nhiều đến mơ, nhưng cái mơ trong siêu thực là mơ tỉnh. Breton bảo những hình ảnh trong siêu thực lấy từ vô thức (mơ) ra. Nhưng khi đã công nhận vô thức, tức là công nhận có ý thức (tỉnh), nói cách khác, là phải có bàn tay tỉnh táo của ý thức đẩy những hình ảnh này vào vô thức, rồi lại cũng chính bàn tay ấy lấy nó ra để dùng. Vì vậy mà Sartre luôn luôn phản đối siêu thực, ông cho là giả dối, là giả mơ, thật ra rất tỉnh.

Tóm lại, khoảng1930, khi Hàn Mặc Tử làm thơ, siêu thực chưa đến được Việt Nam. Những hình ảnh trong thơ Hàn, toát ra từ một trí tưởng tượng lạ lùng, trổi dậy trong những giấc mơ, những cơn ác mộng, chết đi sống lại trong thác loạn tình yêu và bệnh tật.

Trăng của Hàn Mặc Tử muôn mặt, là trăng hư ảo, xác định sức tưởng tượng kỳ vĩ của nhà thơ.

Ban đầu, khi còn trẻ, trăng và nước ở Hàn là trăng dịu, nước trong, là hương thơm da thịt tỏa lên từ thân thể người con gái, là hương say nồng ấm của dục tình tự nhiên, như gió – mưa – trời – nước:

Trăng lên, nước lặng, tre la đà
Rơi bóng im trên đám cỏ hoa
Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc
Tiếng ca chen lấn từ trong ra.
Tiếng ca ngắt – Cành lá rung rinh
Một nường con gái trông xinh xinh
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! trắng rợn mình
Cô gái ngây thơ nhìn xuống hồ
Nước trong nổi bật hình dung cô
Nụ cười dưới ấy và trên ấy
Không hẹn, đồng nhau nở lẳng lơ (Nụ cười, trong tập Gái quê)

Đây là bài thơ đầu tiên trong tập Gái quê, có thể coi là bài “thơ mới” đầu đời của Hàn. Thơ còn non, có vài chữ vụng, nhưng đã lộ đủ những yếu tố trăng, nước, nhạc, dục. Hàn đã thể hiện đầy đủ không gian của mình trong mấy câu thơ non trẻ, và đó cũng là bản chất thơ Hàn Mặc Tử: một vũ trụ luận mới.

Vũ trụ luận mới

Thơ Hàn không chịu nằm trong mặt bằng của trái đất mà luôn luôn tìm cách chiếm lĩnh không gian. Trong bài Nụ cười trên đây: trăng (trên trời), truyện trò với tre, nước, cỏ hoa (dưới đất), tiếng ca toát ra trong lau lách, tiếng ca ngắt đi, nhường cho tiếng lá rung động những lời thì thầm. Rồi người con gái bước ra ống quần xắn cao, gây rạo rực, nàng nhìn xuống hồ, soi cái lẳng lơ của mình trong đáy nước. Hàn đã choán tất cả không gian và lòng người trong khoảnh khắc thơ.

Và như thế qua bài thơ đầu đời, Hàn đã tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ: Những thực thể như trăng, nước, tre, cỏ, hoa, tiếng ca, thiếu nữ… chiếu nhau theo đường chéo, như ánh sáng xuyên, xoay đủ chiều, nói chuyện với nhau, hoà nhịp với nhau trong một bức tranh nổi mà các thực thể bay lên, đáp xuống, không ngừng, trong không gian thơm hương nhạc. Thơ Hàn là một vũ trụ hư ảo, khác hẳn những bức tranh bằng phẳng, chưa có nhạc, như trong những cảnh thơ mà ta thường thấy, như:

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Kiều)

Nguyễn Du bày ra một cảnh đẹp tuyệt vời, nhưng là một cảnh phẳng, theo mặt bằng của trái đất và trong thơ chưa có âm thanh, chưa có nhạc.

Hoặc:

Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy (Với bàn tay ấy, Xuân Diệu).

Đây là một trong những câu thơ hay nhất của Xuân Diệu, chịu ảnh hưởng Giao cảm Baudelaire, nhưng Xuân Diệu cũng mới chỉ bày ra một cảnh trời nước, cỏ, cây, giao cảm nhau, chứ chưa thực hiện được sự giao cảm nội tâm trong cây cỏ, như Hàn Mặc Tử.

Nhờ những động từ: tìm, nghiêng xuống, mà cỏ cây của Xuân Diệu chuyển động, nhưng đó là những chuyển động chưa có âm thanh. Xuân Diệu mới chỉ tạo ra một cảnh lặng của đêm: Một tối bầu trời đắm sắc mây, cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy, hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ nghiêng xuống làn rêu một tối đầy.

Trong khi Hàn Mặc Tử tạo ra cả chuyển động lẫn âm thanh: Trăng lên, nước lặng, tre la đà rơi bóng im trên đám cỏ hoa. Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc, tiếng ca chen lấn từ trong ra, tiếng ca ngắt- cành lá rung rinh… Là một giao hưởng âm thanh, trong những chuyển động xiên chéo, nhiều chiều: trăng lên, nước lặng, tre la đà, rơi bóng im, tiếng ca chen lấn, từ trong ra, tiếng ca ngắt, cành lá rung rinh, nụ cười, dưới ấy, trên ấy… mỗi chữ, mỗi câu, không chỗ nào là không di động, ngay cả những liên từ như dưới ấy và trên ấy.

So sánh một bài thơ đầu đời, còn non tay của Hàn Mặc Tử với một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu để thấy sự cách biệt sâu xa giữa hai nhà thơ.

Tình Quê là bài thơ thứ ba trong tập Gái quê, đã đạt sự hoàn mỹ trong vũ trụ luận mới: không gian, trời nước và tâm cảnh, hoà tan trong âm nhạc và chuyển động:

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên dừng lại
Dòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề (Tình quê, trong tập Gái quê)

Toàn bài là một bản nhạc mà âm thanh bay lên trong không gian mênh mông, trời nước giao hoà, kết nối những hình ảnh trùng trùng trong liên tưởng. Phạm Duy đã bắt được hồn nhạc tuyệt vời của Tình quê, và bài thơ phổ nhạc trở thành một tuyệt tác thứ nhì. Với giọng Thái Thanh, tiếng hát cao vút lên trời, trở thành tuyệt tác thứ ba.

Những câu thơ trong Tình quê không dứt nhau ra được trong thế liên hoàn như trường hợp bài Người hàng xóm của Nguyễn Bính mà chúng tôi đã có dịp phân tích.

Nhưng thơ Nguyễn Bính mở vào một cảnh thật trước mắt, có cô hàng xóm, có dậu mồng tơi, có con bướm bướm, bay ra bay vào. Còn thơ Hàn Mạc Tử mở ra một quang cảnh hư ảo, chỉ có trong tưởng tượng.

Bài thơ liên hoàn của Hàn Mặc Tử kết nối những hình ảnh hư ảo, trong một liên tưởng bất tận: bắt đầu đi từ hai hình ảnh tương đối rõ: trước sân anh thơ thẩn, đăm đăm trông nhạn về, đã gợi sự mông lung, bất định, thiên di, qua những chữ thơ thẩn, nhạn về… tiếp theo là những hình ảnh trùng trùng điệp điệp: Mây chiều còn phiêu bạt, lang thang trên đồi quê, gió chiều quên ngừng lại, dòng nước quên trôi đi… cho đến hết, tất cả đều lôi kéo ta đi, ngay đến những hình ảnh như gió chiều quên ngừng lại, như dòng nước quên trôi đi, cũng không cho ta nghỉ ngơi ngừng lại ở một chốn nào. Lời thơ trôi theo một điệu nhạc thầm, dù không đọc lên thành tiếng, chúng ta cũng vẫn nghe thấy, điệu nhạc thầm ẩn trong chữ ấy, lôi cuốn ta đi, bắt ta đọc (thầm) hết câu này sang câu khác, hết bài thơ lại muốn đọc lại, đó là sự quyến rũ huyền bí của âm thanh. Bachelard nói đến mỗi câu thơ hay là “một lời mời gọi viễn du” (invitation au voyage) là như thế.

Hàn Mặc Tử ngay từ buổi đầu đã tạo một không gian âm nhạc và chuyển động mà vạn vật giao hoà, tạo ra một vũ trụ luận mới trong thơ. Tất cả những bài thơ hay của Hàn Mặc Tử như Đà Lạt trăng mờ, Mùa xuân chín, Huyền ảo, Đây thôn Vĩ dạ… đều có cấu trúc không gian hư ảo như thế. Hàn Mặc Tử đã đem tưởng tượng vào thơ mở ra một cõi hư ảo chưa từng có trong thơ Việt nam. Là nhà thơ đầu tiên đã hiện đại hóa thơ Việt nam, vị trí của Hàn Mặc Tử trong thơ Việt tương đương như vị trí của Baudelaire trong thơ Pháp.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống