Monday, October 19, 2015

Tiến sĩ Alan Phan ‘hôn mê’

Pic
TS Alan Phan nổi tiếng với nhiều bài viết và sách về Việt Nam
TS Alan Phan, doanh nhân và nhà bình luận kinh tế người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, đã rơi vào tình trạng hôn mê và có thể không tỉnh lại.

Thông báo của gia đình ông nói “bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh”, vì vậy gia đình sẽ “chấp nhận rút ống dưỡng khí” vào ngày 26/10.

Theo thông báo này, ông Alan Phan được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley, bang California, tối thứ Ba ngày 14/10 trong tình trạng hôn mê.

Gia đình nói ông “vẫn không tỉnh lại”.

TS Alan Phan, năm nay 70 tuổi, được giới thiệu là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ năm 1987.

Ông cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại Trung Quốc trước khi về Việt Nam năm 2007.

Tuy vậy, ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam.

Ông cũng ra mắt nhiều tập sách tại Việt Nam.

Trong một cuốn sách năm 2011, ông cho biết “thường xuyên về Việt Nam” từ 2007 sau 42 năm làm ăn ở Trung Quốc và Mỹ.

“Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một ‘quê hương thực sự’ cho phần đời còn lại của mình.”

Sau những năm làm ăn tại Việt Nam, ông Alan Phan chia sẻ kinh nghiệm với báo Người Việt, California, trong cuộc phỏng vấn tháng Bảy năm nay.

“Thứ nhất là phải có quan hệ, phải có người chống lưng đỡ đầu thì mới đi xa được.”

“Thứ hai là phải có một sự kiên nhẫn, quan hệ với người Việt Nam mà muốn cho sâu đậm, cũng phải mất vài ba năm, chứ không phải đi vào làm ào một cái mà được, người ta chưa tin mình.”

“Sau đó thì là chuyện hên xui may rủi, nếu quan hệ đúng với người đang lên, có quyền lực chính trị quan trọng, thì tiền sẽ vào như nước. Còn đi nhằm một cái ông đang đi xuống, thì có thể bị tù tội dễ như chơi, đó là chuyện rất bình thường ở Việt Nam,” ông nói.

Xem thêm phỏng vấn của BBC với TS Alan Phan.

'Vẫn là dân chủ rất thấp'

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã phản ánh 'khá sát' thực tế về năng lực của nhiều quan chức, lãnh đạo Việt Nam, là một 'điều tốt, đáng hoan nghênh', tuy nhiên về bản chất đây vẫn chỉ là một dạng thức 'dân chủ còn rất thấp', theo ý của nhà quan sát Việt Nam từ Hoa Kỳ.

Bình luận về kết quả được Quốc hội Việt Nam công bố cùng ngày, ngay sau phiên lấy phiếu tín nhiệm hôm thứ Bảy 15/11/2014, Tiến sỹ Alan Phan, nói với BBC:

"Nó là một điều tốt, đáng hoan nghênh, nhưng những người ở vị trí cao họ bị đánh giá thường trực bởi cơ quan ngôn luận, bởi truyền thông, bởi dân chúng bằng những lá bầu trực tiếp, thì đương nhiên là họ không cần phải có những buổi họp của Quốc hội như thế này.

"Và thực tình trong những quốc gia khác, Quốc hội vẫn thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm nhưng mà chỉ có một phiếu, chứ không có cao, thấp hay là trung bình hay là cái gì hết và có thể làm một anh Thủ tướng mất chức.

"Nhưng mà ở Việt Nam cái chuyện đó gần như hoàn toàn không có, nhưng đối với tôi như đã nói tất cả những hình thức gì mà nó có một chút tiến bộ, thì đó là một điều chúng ta nên hoan nghênh," ông Alan Phan nói.

1 comment :

  1. Vĩnh Biệt Alan Phan

    Trong không gian mạng, có những người tôi chưa gặp lần nào mà cứ nghĩ là đã quen nhau từ lâu. Một trong những người đó là Alan Phan, một doanh nhân, một nhà bình luận kinh tế - xã hội, một cây viết đầy suy tư và trăn trở. Vậy mà chiều nay nhận được tin ông đã qua đời ở California!

    Hôm qua ở quán cà phê Factory, tôi đã nghe anh Triết nói rằng Alan Phan đang nhập viện và tình hình có vẻ nghiêm trọng. Tôi nghe qua và chỉ ghi nhận, vì nghĩ anh Alan Phan có lẽ sẽ ok vì trước đây anh từng than phiền về vấn đề sức khoẻ và đều vượt qua. Vậy mà hôm nay thì anh đã ra đi vĩnh viễn! Lại thêm một tin buồn, một mất mát trong giới trí thức tinh hoa Việt.

    Tôi và Alan Phan chưa một lần gặp nhau ngoài đời. Chúng tôi cũng chưa từng trao đổi email. Thế nhưng tôi cảm thấy biết anh từ rất lâu. "Biết" có lẽ chưa đúng, mà phải nói là "đồng cảm" mới chính xác hơn. Tôi rất chia sẻ những suy tư và ý kiến của anh về các vấn đề xã hội ở Việt Nam. Có thể nói rằng rất nhiều bài viết của Alan Phan như là anh nói dùm tôi (và nhiều người khác). Tôi và anh rất đồng cảm với những chuyện ấu trĩ như "tự hào dân tộc" mà giới báo chí và chính khách hay nói đến.

    Những bài viết của Alan Phan cho thấy anh là một người [nói theo tiếng Anh là] "worldly". Chữ Worldly ở đây phải hiểu theo nghĩa là người đi nhiều, có nhiều trải nghiệm với đời, hành xử tinh tế, và tử tế. Những bài kí của Alan Phan dù viết về một vùng đất xa lạ nào đó, nhưng lúc nào anh cũng suy tư đau đáu về Việt Nam. Mà, cái đất nước đó chưa hẳn là "tốt" với anh đâu, và anh biết rất rõ điều đó, nhưng vẫn thản nhiên nhìn đời với cái nhìn lạc quan. Tôi có thể mượn lời bình của Phạm Xuân Nguyên cho Nhà văn Bùi Ngọc Tấn để nhận xét về Alan Phan: Đó là một người chắt chiu trải nghiệm và đau khổ thành những bài học sống.

    Những bài học sống đó rất thiết thực cho giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ trong nước. Do đó, không ngạc nhiên khi anh có rất nhiều "fan" trong nước. Cứ mỗi lần gặp các bạn trẻ ở trong nước, ai cũng nhắc đến "Ông già Alan", và ai cũng nói rằng Ông già Alan hay nhắc đến tôi trong những buổi trò chuyện với các bạn ấy. Điều này chắc chẳng có gì ngạc nhiên, vì trang blog gocnhinalan.com đăng lai khá nhiều bài viết của tôi. Ai chứ ông già Alan đăng bài của tôi thì tôi chẳng những hoan nghênh mà còn thấy hân hạnh.

    Tôi nghĩ trong giới doanh nhân Việt Nam, Alan Phan là một người rất rất đặc biệt. Đặc biệt là vì anh là một người trí thức đích thực, một người có suy nghĩ sâu, người có trăn trở với đất nước và dân tộc (và tôi ít thấy ở các doanh nhân Việt Nam). Những suy tư của anh được thể hiện qua những bài viết trên blog và báo chí mà chỉ cần đọc vài dòng đầu là khó mà bỏ qua toàn bài được. Do đó, không ngạc nhiên trang blog của gocnhinalan.com có một số độc giả rất lớn và có ảnh hưởng. Không gian mạng từ nay sẽ không còn như xưa, vì sẽ trống vắng những bài viết hay và những suy nghĩ đầy trăn trở của một người Việt ưu tú tên Alan Phan.

    Vĩnh biệt anh Alan Phan, và mừng anh chuyển nghiệp.

    ReplyDelete


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống