Thursday, October 8, 2015

So sánh tu từ trong thơ tình Nguyễn Bính

pic

Không ồn ào, náo nhiệt cũng chẳng phải trầm lắng hay suy tư, thơ tình của Nguyễn Bính nhẹ nhàng mà tinh tế. Từ cái tình, cái ý của mỗi bài thơ cho đến hình thức thể hiện, dường như tất cả trong thơ ông đều ướp chung một mùi hương – hương vị của ca dao, dân ca truyền thống.

Men theo những bài thơ tình của Nguyễn Bính, ta được tìm về với những hình ảnh thân quen, bình dị của thôn quê Bắc bộ với những giậu mồng tơi, giàn thiên lý, của hàng cau, gốc rạ… và được sống lại cùng những lời ăn tiếng nói hàng ngày, lối nói khẩu ngữ, thành ngữ, từ địa phương và đặc biệt là cách ví von so sánh dân dã, tự nhiên… Thơ Nguyễn Bính đưa ta vào thế giới của chân quê.

Một trong những đặc trưng về nghệ thuật khi tiếp xúc và tìm hiểu thơ tình Nguyễn Bính không thể không nhắc tới thủ pháp so sánh tu từ. Trong “99 Phương tiện và Biện pháp tu từ”, tác giả Đinh Trọng Lạc có viết: “So sánh là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực tế khách quan không đồng nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả bằng hình ảnh một lối tri giác mới mẻ về đối tượng”. Còn trong “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt”, Cù Đình Tú lại cho rằng: “So sánh tu từ là cách công khai đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có một dấu hiệu chung nào đấy (nét giống nhau) nhằm diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm của một đối tượng.

Có thể nói rằng, so sánh là một phương tiện ngôn ngữ xuất hiện khá nhiều không chỉ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong logic khoa học mà nó còn có giá trị rất lớn trong văn chương nghệ thuật. Trong khoa học, logic so sánh phải tiến hành giữa hai đối tượng cùng loại. Ví dụ: “Cái nhà này dài bằng cái nhà kia”. Ở đây đối tượng được đem ra so sánh là “cái nhà”, hai đối tượng cùng loại, cùng chất và được so sánh thông qua từ “bằng”.

Cũng là đối tượng “ cái nhà”, thế nhưng trong văn chương nghệ thuật, so sánh lại được tiến hành bằng cách đem sự vật này đối chiếu với một hay nhiều sự vật khác khi các sự vật có một nét tương đồng nào đó để gợi ra những hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc, người nghe. Ví dụ “Nhà sàn dài như một tiếng chiêng” (Sử thi Đăm san). Ở ví dụ này, cái được so sánh là “nhà sàn”, yếu tố chuẩn được đem ra so sánh là “một tiếng chiêng” và từ so sánh là “như”.

Nếu như nói cái “Cái nhà này dài bằng cái nhà kia” thì đối tượng đem ra so sánh là giống nhau và chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định, một cách hiểu duy nhất nhưng nếu nói “Nhà dàn dài như một tiếng chiêng” thì gợi ra biết bao xúc cảm, liên tưởng trong lòng người nghe, người đọc.

Trong thơ văn, so sánh được sử dụng rất nhiều và nó giúp liên kết nhiều đối tượng lại với nhau khiến cho thơ ca trở nên phong phú và đa âm thanh đa màu sắc hơn. Nó còn giúp cho cách diễn đạt hay hơn để biểu đạt cái tình cái ý. Đến với thơ Nguyễn Bính, ta sẽ thấy hàng loạt những hình ảnh so sánh ví von. Nhưng tất cả những hình ảnh ấy đều khoác lên mình tấm áo mộc mạc, dân dã và ý tứ, duyên dáng của ca dao, dân ca.

“Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi lúc xuống tàu”
(Đêm sao sáng)

Tất cả những gì đẹp nhất của đất trời, của thiên nhiên như thu hết vào trong tầm mắt của em. Từ những chấm sao đêm, sao Hôm, sông ngân hà tỏ đôi bờ lạnh cho đến bác Thần Nông, Bắc Đẩu tinh khôi… đều hiện về nguyên vẹn trong “Đêm sao sáng”. Sao Hôm thường xuất hiện ở phía Tây khi mặt trời lặn, đây là ngôi sao sáng nhất nên rất dễ nhìn thấy trên bầu trời khi màn đêm buông xuống. Lấy vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ để làm mực thước so sánh với màu mắt trong veo với vẻ đẹp, tình yêu của em dành cho mình. Có lẽ chỉ khi tìm về với thơ tình Nguyễn Bính, tâm hồn ta mới được sống lại với những hình ảnh so sành đẹp đến thế…

VOVN

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống