Sunday, April 19, 2015

Thủy hử - Thi Nại Am

n

Về đời nhà Tống. Triết Tôn Hoàng Ðế làm vua cách với đời của vua Nhân Tôn Hoàng Ðế đã xa. Giữa phủ Khai Phong, ở ngay Ðông Kinh, thuộc khu của thành Tuyên Vũ Quân nảy nòi một tên con nhà lông bông mất dạy, là dòng họ Cao bày hàng đứng vào thứ hai.

Anh ta thuở nhỏ không chịu làm ăn, chỉ thích múa thương đánh gậy và đá cầu rất giỏi, bởi thế trong Kinh Sư gọi anh ta là Cao Cầu, đổi gọi Cao Nhị. Do chữ Cầu có chữ Mao là lông ở bên cạnh, sau phát tích khá lên, mới đổi chữ Cầu có chữ Nhân là người đứng cạnh. Anh chàng này lại giỏi thổi sáo, múa bộ, chơi bời nghịch ngợm đủ lối, mà còn học đòi thơ phú, võ vẽ sách vở, nhưng nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hạnh trung lương, thì tuyệt nhiên không hiểu chút gì.

Suốt ngày anh ta chỉ ở trong thành ngoài thành Ðông Kinh bám vào những tay du thủ du thực, đánh đu với một anh con trai Sinh Thiết Vương Viên Ngoại, để kiếm tiền tiêu xài, ở bợm với nhau. Bất đồ không bao lâu bị Viên Ngoại có đơn thưa kiện Cao Cầu trong phủ Khai Phong, quan phủ cho bắt Cao Cầu kết án đánh phạt 20 trượng, trục xuất ra khỏi Ðông Kinh, cấm nhân dân ở trong thành không ai được dung túng ở trong nhà. Cao Cầu vô kế khả thi đành phải đi sang miền Hoài Tây, chạy vào bám ở một nơi sòng bạc của Liễu Ðại lang gần đó. Anh này nguyên tên là Liễu Thế Quyền, bình sinh chỉ quen biết những hạng bơ biếng phỉnh phờ, bao nhiều hạng dông dài bợm bãi đâu đâu, cũng đều chứa chấp hết thảy.

Cao Cầu tới đó được tới ba năm, nhân gặp khi Triết Tôn Thiên Tử đi lễ Nam Giao, cảm thấy mưa hoà gió thuận, gia ơn đại xá cho các tội tù, và Cao Cầu cũng dự vào hạng ấy. Ðược tin ân xá, Cao Cầu nhân muốn trở về đông Kinh liền nói cho Liễu Thế Quyền hay. Liễu Thế Quyền vốn có người bà con, tên là Ðổng Trương Sĩ mở hàng thuốc sống ở phía cầu Kim Lương trong Ðông Kinh liền viết một phong thư và thu xếp ít tiền lộ phí giới thiệu cho Cao Cầu sang ở với Ðổng. Cao Cầu được thư giới thiệu, lập tức từ giã Liễu Ðại Lang đeo khăn gói tìm lối quay về Ðông Kinh, thẳng đến cầu Kim Lương, kiếm hàng thuốc Bắc Ðổng Sinh, đưa thư trình diện. Ðổng Trương Sĩ trông thấy Cao Cầu, lại thấy bức thư của Liễu Thế Quyền, trong bụng nghĩ thầm: - Thằng cha Cao Cầu này, nhà ta dung sao được...

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống