Tuesday, February 10, 2015

Xây dựng và duy trì câu lạc bộ

1. Khái niệm câu lạc bộ.

                Câu lạc bộ là hình thức tập hợp nhiều người trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc trong xã hội, tự nguyện tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, khoa học, kĩ thuật, văn hoá, nghệ thuật, thể thao, giải trí, vv.

                Hiện nay, CLB là một trong những sinh hoạt văn hoá có tính chất quần chúng được phát triển rộng rãi ở Việt Nam (CLB nghề nghiệp điện ảnh, âm nhạc, cờ vua, thể dục thể thao, vv.) hoạt động trên một vài chuyên ngành nhất định, có tác dụng về nhiều mặt.

2. Xây dựng, thành lập Câu lạc bộ.

2.1. Khảo sát, lựa chọn địa điểm nơi thành lập Câu lạc bộ

                Khảo sát, lựa chọn địa điểm thành lập Câu lạc bộ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đầu tiên trong quá trình thành lập và đưa Câu lạc bộ đi vào hoạt động. Việc khảo sát có thể được tiến hành ở cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở thông qua kết quả đi thực tế điều tra, khảo sát hoặc xây dựng các phiếu điều tra tổng hợp.

                Hoạt động khảo sát được thực hiện trên cơ sở việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội, điều kiện dân trí, mức độ hiểu biết của từng cá nhân trong một tập thể hay địa bàn cụ thể, vị trí địa lý, sự phân bổ dân cư, lao động, ngành nghề, đánh giá hiệu quả các mô hình, các phong trào tại địa phương…với mục đích sự ra đời của Câu lạc bộ phải phù hợp và thực sự đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư đang cần được quy tụ lại để sinh hoạt và học tập.

2.2. Xây dựng kế hoạch thành lập Câu lạc bộ

                Kế hoạch thành lập Câu lạc bộ có ý nghĩa định khung cơ bản, trong đó phác thảo những nội dung chính phục vụ cho việc thành lập Câu lạc bộ. Kế hoạch cần được xây dựng cụ thể, phân định theo các nội dung rõ ràng, chi tiết giúp cho việc thực hiện được thuận lợi. Kế hoạch thành lập Câu lạc bộ bao gồm các nội dung cơ bản sau:

Sự cần thiết phải xây dựng Câu lạc bộ;
Mục đích, ý nghĩa của việc thành lập Câu lạc bộ;
Chọn địa điểm thành lập Câu lạc bộ (theo các tiêu chí cụ thể: điều kiện kinh tế – xã hội; tình hình an ninh trật tự; ý thức chấp hành pháp luật của người dân…);
Đối tượng tham gia Câu lạc bộ (thanh niên, phụ nữ, nông dân, học sinh, sinh viên…trong đó xác định đối tượng nòng cốt của Câu lạc bộ);
Cơ cấu tổ chức của Câu lạc bộ (dự kiến Ban chủ nhiệm và số lượng hội viên sáng lập, nguyên tắc hoạt động của Câu lạc bộ);
Địa điểm tổ chức sinh hoạt của Câu lạc bộ;
Nội dung và hình thức sinh hoạt của Câu lạc bộ;
Kinh phí tổ chức hoạt động;
Trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong việc phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hoạt động, kiểm tra hoạt động Câu lạc bộ.

 3. Vận động tham gia thành lập, xây dựng dự thảo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ và ra quyết định thành lập Câu lạc bộ

3.1. Vận động tham gia thành lập Câu lạc bộ:

                Việc vận động tham gia thành lập Câu lạc bộ do các sáng lập viên, chủ yếu là Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (gọi là Ban chủ nhiệm lâm thời) tiến hành, bao gồm:

Tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vị trí, vai trò, nội dung hoạt động của Câu lạc bộ trong cơ quan, đơn vị, địa phương nơi thành lập Câu lạc bộ để thu hút số lượng hội viên đăng ký tham gia; Lập danh sách hội viên Câu lạc bộ trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập Câu lạc bộ phê duyệt;
In thẻ hội viên Câu lạc bộ (Thẻ hội viên được phát cho các hội viên tham gia Câu lạc bộ; Thẻ cần in ấn đơn giản, không cầu kỳ, hình thức nhỏ gọn, trong đó cần ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị, địa phương nơi thành lập Câu lạc bộ và dòng chữ “THẺ HỘI VIÊN CÂU LẠC BỘ”);
Chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện tài chính phục vụ hoạt động của Câu lạc bộ; chuẩn bị tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ;
3.2. Xây dựng dự thảo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ.

Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ cần được xây dựng chi tiết, cụ thể, tuân thủ quy định của pháp luật và không trái thuần phong mỹ tục của nhân dân, bao gồm các nội dung chính sau đây:

Những quy định chung: quy định về khái niệm, tên gọi của Câu lạc bộ; mục đích hoạt động, đối tượng tham gia Câu lạc bộ…
Tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ.
- Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

- Nhiệm kỳ và nguyên tắc hoạt động của Ban chủ nhiệm;

- Nhiệm vụ của Ban chủ nhiệm;

- Đối tượng tham gia Câu lạc bộ và số lượng hội viên (đối tượng tham gia Câu lạc bộ có thể mang tính chất đại diện đặc thù cho một ngành, một đoàn thể hay một loại đối tượng nhất định như: công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, phụ nữ…; bên cạnh đó có huy động sự tham gia của các đối tượng khác);

- Nguyên tắc hoạt động của Câu lạc bộ;

- Các hình thức sinh hoạt của Câu lạc bộ…

+ Quyền và nghĩa vụ của Chủ nhiệm, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

- Đối với Chủ nhiệm Câu lạc bộ: Chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm điều hành chung và chịu trách nhiệm toàn bộ các mặt hoạt động của Câu lạc bộ; có trách nhiệm lập kế hoạch hoạt động ngắn hạn, dài hạn của Câu lạc bộ; quản lý việc thu, chi tài chính của Câu lạc bộ; định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả hoạt động của Câu lạc bộ với người có trách nhiệm và cơ quan chủ quản.

- Đối với các Phó chủ nhiệm và các uỷ viên: thực hiện các công việc theo sự phân công của Chủ nhiệm. Phó chủ nhiệm thay mặt Chủ nhiệm giải quyết các công việc khi được Chủ nhiệm phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm về những công việc của mình được giao.

+ Quyền và nghĩa vụ của hội viên:

Quyền:

- Được cấp thẻ hội viên Câu lạc bộ;

- Được tham gia vào tất cả các hoạt động và các kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ;

- Được ứng cử, đề cử vào Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ;

- Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các kế hoạch, chương trình hoạt động của Câu lạc bộ do Ban chủ nhiệm đề xuất; biểu quyết, kiến nghị, đề đạt và bảo lưu các ý kiến của mình về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ;

- Được cung cấp thông tin, mượn sách báo, tài liệu liên quan để nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan.

- Được yêu cầu Câu lạc bộ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình trước pháp luật khi bị xâm hại;

- Có quyền xin thôi tham gia Câu lạc bộ khi có đơn xin ra khỏi Câu lạc bộ và không còn ràng buộc nghĩa vụ gì với Câu lạc bộ.

Nghĩa vụ:

- Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước;

- Tôn trọng, chấp hành Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ;

- Tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt của Câu lạc bộ;

- Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân; vận động và giới thiệu các hội viên mới với Ban chủ nhiệm để kết nạp; tham gia giáo dục, cảm hoá những đối tượng lầm lỗi, có hành vi phạm pháp luật và hoà giải các tranh chấp, xích mích nhỏ tại địa phương;

- Thực hiện các công việc được Ban chủ nhiệm giao;

- Giữ gìn uy tín của Câu lạc bộ; không được lợi dụng danh nghĩa hội viên Câu lạc bộ pháp luật, thẻ hội viên để sử dụng vào các mục đích công việc khác;

+ Kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ

Quy định về việc tạo nguồn kinh phí thu, chi để đảm bảo duy trì hoạt động của Câu lạc bộ; chế độ công khai tài chính…

+ Khen thưởng và kỷ luật

+ Điều khoản thi hành.

Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ sẽ được các thành viên Câu lạc bộ biểu quyết thông qua và trình cơ quan ra quyết định thành lập Câu lạc bộ phê duyệt.

3.3. Ra quyết định thành lập Câu lạc bộ:

                Để có cơ sở pháp lý chính thức công nhận và đưa Câu lạc bộ đi vào hoạt động, tuỳ theo mục đích, nhu cầu chọn điểm thành lập Câu lạc bộ, UBND huyện hoặc UBND xã, phường, thị trấn hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị ban hành Quyết định thành lập Câu lạc bộ và phê duyệt danh sách thành viên ban đầu của Câu lạc bộ.

4. Tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ:

                Lễ ra mắt Câu lạc bộ là hình thức công khai hoá tổ chức, hoạt động của Câu lạc bộ, chính thức đưa Câu lạc bộ đi vào hoạt động. Trong buổi lễ ra mắt, Câu lạc bộ phải thực hiện một số công việc sau:

- Công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ tại cơ quan, đơn vị, địa phương;

- Công bố Ban chủ nhiệm lâm thời của Câu lạc bộ hoặc tiến hành bầu Ban chủ nhiệm (bao gồm Chủ nhiệm và 01 – 02 Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ);

- Công bố danh sách hội viên;

- Thảo luận chương trình hoạt động, định kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ;

- Thảo luận, thông qua Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ.

                Tại buổi Lễ ra mắt, Câu lạc bộ có thể tổ chức một số hoạt động sinh hoạt ban đầu với sự tham gia của các hội viên.

5. Về hoạt động của Câu lạc bộ:

                Để Câu lạc bộ phát huy tính thiết thực và tính hiệu quả trên thực tế thì hoạt động của Câu lạc bộ là yếu tố quyết định. Một Câu lạc bộ có hoạt động tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố cơ bản: nội dung hoạt động và phương thức tổ chức hoạt động.

5.1. Về nội dung hoạt động:

                Nội dung hoạt động của Câu lạc bộ cần phù hợp, sát thực với đối tượng và đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương. Các nội dung hoạt động của Câu lạc bộ không nên bó hẹp trong phạm vi đối tượng nhất định, không gian và thời gian nhất định mà cần được mở rộng, bổ sung kịp thời đảm bảo tính cập nhật, tránh nhàm chán, đặc biệt là cung cấp một lượng kiến thức phong phú cho các hội viên. Ngoài ra, cũng cần phổ biến các kiến thức kinh tế, xã hội cần thiết khác phù hợp với từng đối tượng.

5.2. Về phương thức tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ

                Để thu hút số lượng hội viên tham gia Câu lạc bộ, giúp cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong Câu lạc bộ có hiệu quả thì phương thức tổ chức sinh hoạt của Câu lạc bộ cần đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Câu lạc bộ thường tập trung tổ chức sinh hoạt theo các phương thức sau:

- Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm chuyên đề.

- Tổ chức hoạt động thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ, giải đáp pháp luật, thi sáng tác các tác phẩm văn hoá, văn nghệ có nội dung liên quan.

- Xây dựng các tiểu phẩm văn hoá, văn nghệ (thơ, ca, hò, vè…) có nội dung tuyên truyền để biểu diễn;

- Cung cấp thông tin, tư liệu (sách, báo, văn bản pháp luật) phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương;

- Tổ chức các buổi giao lưu với các loại hình Câu lạc bộ khác, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại đơn vị, địa phương.

5.3. Về việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ

- Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm: Việc xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của Câu lạc bộ đảm bảo tính liên tục về tiến độ hoạt động cũng như những nội dung, phương thức tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ;

- Cử cán bộ phụ trách, theo dõi hoạt động của Câu lạc bộ: Cần chọn người nhiệt tình, năng động, tâm huyết, có năng lực tổ chức, đặc biệt là người am hiểu các vấn đề xã hội để đưa vào Ban chủ nhiệm hoặc làm tư vấn cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

- Xây dựng lực lượng cộng tác viên: Lực lượng này chủ yếu gồm các báo cáo viên và tuyên truyền viên , tình nguyện tại địa bàn tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ để phổ biến, tuyên truyền, và giải đáp thắc mắc về các nội dung, lĩnh vực liên quan.

- Xây dựng tủ sách cho Câu lạc bộ: Tủ sách được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phổ biến, giáo dục của Câu lạc bộ, phù hợp với đối tượng của Câu lạc bộ (về khả năng nhận thức cũng như đặc điểm tâm lý…). Tủ sách nên được mở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt để tạo điều kiện cho các hội viên và nhân dân được tiếp xúc, tìm hiểu. Nội dung tủ sách cần được cập nhật, phong phú về loại hình (sách tra cứu, báo, tờ gấp, sách bỏ túi…). Nên có sự trao đổi, luân chuyển với tủ sách của cơ quan, đơn vị, trường học và xã, phường, thị trấn tại địa bàn. Để xây dựng tủ sách, cần huy động sự đóng góp của các cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, hoặc khuyến khích, động viên mỗi gia đình, mỗi thành viên Câu lạc bộ đóng góp 01 cuốn sách hoặc tạp chí…

- Thường xuyên đổi mới các phương thức sinh hoạt để thu hút các hội viên tham gia: Thực tiễn hoạt động của các Câu lạc bộ thời gian qua cho thấy, việc đổi mới phương thức sinh hoạt góp phần không nhỏ trong việc duy trì hoạt động và ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia của các Câu lạc bộ

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống