Tuesday, February 10, 2015

Phương pháp tổ chức hoạt động Câu lạc bộ


I. KHÁI NIỆM VỀ CÂU LẠC BỘ, NHÓM NHỎ :
Câu lạc bộ là danh từ của tiếng nước ngoài, ta dùng dần thành quen, đây là một cụm từ muốn nói về một tổ chức được thành lập theo sự tự nguyện của mỗi người có chung một mục đích từ một mục đích này mà đề ra chương trình hoạt động của mình sao cho phù hợp với khả năng và thời gian rỗi của các thành viên và khi hoạt động câu lạc bộ, nhóm, đội lớn mạnh, số hội viên đông thì lại có thể chia ra các nhóm nhỏ hơn để đáp ứng được nhu cầu và sở thích riêng biệt hơn.
1) Các loại hình câu lạc bộ, nhóm, đội :
Muốn có một đội ,nhóm, CLB trước hết phải xuất phát từ nhu cầu thực tế ở cơ sở, đơn vị. Bởi vì CLB đội, nhóm là hình thức sinh hoạt tự nguyện, không ép buộc. Đây còn gọi là CLB, đội nhóm sở thích. Sau khi hình thành CLB, đội nhóm rồi, các thành viên mới tổ chức bầu ra ban chủ nhiệm, đội trưởng, nhóm trưởng và xây dựng nội quy hoạt động. Mỗi CLB không nên đông thành viên quá nhưng cũng không thể là một vài người vì CLB là nơi phát huy năng khiếu và sáng kiến của các hội viên nhằm đạt một mục đích nhất định, các hội viên tự xin gia nhập và cũng tự nguyện rút lui khỏi CLB và đến lúc nào đó, nếu tất cả các hội viên không còn nhu cầu chung nữa thì CLB sẽ giải thể.

Có nhiều hình thức CLB :
- CLB chuyên ngành : Kinh doanh, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng.
- CLB sở thích : Năng khiếu, âm nhạc, thể thao,thời trang
- CLB mang tính xã hội : Hưu trí, bàn tay vàng, học sinh, …
2) Thành lập một nhóm vận động và tuyên truyền cho mọi người tham gia CLB.
- Cần dựa vào tổ chức xã hội hoặc cơ quan nào đó để lấy uy tín và đỡ đầu bước đầu về một số cơ sở vật chất và kinh phí.
- Dựa vào sự đóng góp của các hội viên.
3) Bầu ban chủ nhiệm, đội trưởng, nhóm trưởng.
- Xây dựng nội quy hoạt động.
- Có chương trình nội dung sinh hoạt thường kỳ.
4) Xây dựng cơ sở vật chất :
Câu lạc bộ thực chất là một thiết chế văn hóa rất sinh động, vì thế nó có thể tổ chức sinh hoạt giữa các hội viên với nhau ở bất kỳ chỗ nào và thời gian cần thiết. Vì thế một thiết chế như vậy không nhất thiết phải xây dựng một cái nhà, một phòng lớn, ta có thể dựa vào phòng họp, nhà riêng, một lớp học, một hội trường, thậm chí một góc sân cỏ, góc chơi ở công viên hoặc ở một căn phòng của hội viên nào đó để tổ chức sinh hoạt. Nói như vậy không có nghĩa là CLB phải ‘’du cư‘’ nơi nào có điều kiện thì vẫn dựng một ngôi nhà để sinh hoạt, vui chơi giải trí riêng biệt ở nơi trung tâm, thuận tiện giao lưu.
5) Nguồn kinh phí hoạt động :
Kinh phí hoạt động của CLB, đội nhóm là do sự đóng góp tự nguyện của các hội viên, có thể đóng góp kinh phí bằng các phương tiện hoạt động như : giấy, bút, bảng, phấn, nhạc cụ và các đồ chơi …
Song để có những cuộc vui tổ chức rộng lớn, mang tính biểu diễn, cuộc thi, liên hoan hoặc thu hút sự tham gia của xã, phường thì cần có kế họach vận động đóng góp kinh phí của nhiều thành phần xã hội khác nhau, các cơ quan , đoàn thể ở xã, phường, do mặt trận tổ quốc, hoặc đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đứng ra tổ chức, vận động …

II. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ MỘT CÂU LẠC BỘ, ĐỘI, NHÓM NHỎ Ở XÃ, PHƯỜNG :
1) Tổ chức :
Ở các xã, phường, vùng cao, đồng bằng vì do điều kiện sống khác nhau ở các vùng này mà ta phải biết tổ chức sao cho dễ tập trung. Riêng ở vùng thị xã thì hoạt động của CLB đội, nhóm dễ tập trung dân hơn và điều kiện đi lại, phương tiện giao thông thuận lợi hơn. Ngược lại, ở những vùng núi cao, các xã thì việc tổ chức được một CLB để thu hút các hội viên đến sinh hoạt, vui chơi giải trí thường xuyên là điều hết sức khó khăn.
Vậy hình thức tổ chức CLB nào thì phù hợp với các xã, vùng xa, vùng cao, chúng ta không thể có một công thức nhất định để áp đặt cho một đơn vị xã hay vùng núi mà phải tùy thuộc vào tình hình thực tế của nơi dân cư ở đó. Tuy vậy vẫn phải có một phương thức chung nhất để tổ chức một CLB đội, nhóm nhỏ với 3 hình thức :
-Tổ chức câu lạc bộ sinh hoạt theo các phiên chợ
- Câu lạc bộ lưu động.
- Câu lạc bộ tại chỗ (gồm các nhà dân gần nhau).
2) Quản lý :
Quản lý CLB ở đây có nghĩa là vai trò của ban chủ nhiệm CLB hoặc đội trưởng, đội phó biết cách duy trì cho CLB, đội, nhóm của mình hoạt động và sử dụng các hình thức hoặc các cơ sở vật chất của CLB đội, nhóm sao cho phù hợp với từng loại hình sinh hoạt khác nhau.
Các thành viên biết phân công nhau làm các nhiệm vụ được giao, mỗi thành viên tự quản lý lấy các dụng cụ hoạt động của mình, đồng thời giữ gìn các của chung. Biết phân phối kinh phí (có hạn) cho từng thời gian và nội dung hoạt động của câu lạc bộ.
Mỗi lần tổ chức sinh hoạt, các hội viên cần vận động và tìm các cộng tác viên tích cực để phát triển và giúp đỡ CLB lớn mạnh, mở rộng thành phần các hội viên , đồng thời chia dần các nhóm nhỏ trong CLB để sinh hoạt phong phú và mỗi nhóm lại có thể có tổ chức kinh phí riêng.

III. PHƯƠNG THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ ĐỘI, NHÓM :
1) Phương thức :
Phương thức có thể nói là sự định hướng cho một hoạt động ở CLB phải tìm ra một ‘’kiểu ‘’ hoạt động nào trong từng thời kỳ, từng địa điểm để chó sinh họat phù hợp với nội dung đã định.
Phương thức phải do Ban chủ nhiệm, đội, nhóm trưởng nhất trí quyết định. Ví dụ : Hoạt động CLB ở phiên chợ đông người thì phải có một phương thức hoạt động phù hợp như :Tổ chức các trò chơi ở các khu chợ, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh, các nhóm thông tin lưu động trình diễn, tuyên truyền ngắn gọn …
Nếu CLB chuyên đề, hoặc tại chỗ thì cần có nội dung cụ thể sâu sắc hơn như có người diễn giảng, nói chuyện, hoặc thảo luận việc ‘’Xây dựng gia đình văn hóa’’ ‘’Kế họach hóa gia đình’’ ‘’Định canh định cư’’ hay vấn đề ‘’Đưa khoa học kỹ thuật’’ vào sản xuất …
2) Phương pháp hoạt động :
Phương pháp hoạt động tức cách thức cụ thể của các hoạt động cụ thể trong sinh hoạt CLB.
Phương pháp phải luôn luôn đổi mới, để tìm ra những biện pháp phù hợp với nội dung sinh hoạt .
Ví dụ : Tổ chức một buổi sinh hoạt CLB với chủ đề : ‘’Xây dựng gia đình văn hóa ở xã, phường’’ thì vấn đề đặt ra là : Phải có một phương pháp cụ thể xoay quanh vấn đề này cho bà con dễ hiểu, đơn giản, không xa, không cầu kỳ.
Ví dụ : Bà con hỏi : gia đình văn hóa là gì thì phương pháp giải thích tốt nhất là : ‘’Lấy một mẫu người cụ thể ở địa phương đã sản xuất tốt, làm giàu chính đáng, có con cái ngoan ngoãn, vợ chồng hòa thuận …’’ để người đó đứng ra trao đổi với bà con về việc làm tốt của mình.
Sau đó, người hướng dẫn chương trình sinh hoạt CLB có thể để các hội viên tự thảo luận việc ‘’xây dựng’’ nên các mẫu hình đời thường sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình, từng người, mọi người đề ra tiêu chuẩn thi đua và có kết văn bản thi đua, không nên áp đặt vì đây là sinh hoạt CLB – chứ không phải cuộc họp, hay hội nghị.Nếu cuộc sinh hoạt CLB đó chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn, thì có thể cuộc sinh hoạt lần sau, Ban chủ nhiệm CLB lại xây dựng một phương pháp mới, để khỏi trùng lặp với lần trước
Phương pháp tổ chức họat động CLB là điều kiện tiên quyết cho sự thành bại của một CLB.
Vì thế những CLB được thành lập ở xã, phường thật không dễ dàng. Nhưng khi đã lập được CLB rồi thì phải duy trì bằng các phương pháp hoạt động.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống