Saturday, February 7, 2015

Dòng Sông Xanh, biểu tượng của hy vọng và hòa bình


Không chỉ là bản nhạc valse nổi tiếng nhất của mọi thời đại và tiêu biểu nhất cho thành Vienne, An der schönen blauen Donau - The Blue Danube - Le Beau Danube bleu hay Dòng Sông Xanh của nhà soạn nhạc người Áo, Johann Strauss, là biểu tượng của hy vọng và hòa bình.

Hơn 50 năm qua, Dòng Sông Xanh luôn được là đỉnh điểm buổi hòa tấu đón mừng năm mới của dàn giao hưởng philharmonic của Vienne. Chương trình được phát đúng vào ngày mồng 1 Tết dương lịch để gửi đến hơn một tỷ khán giả tại 72 quốc gia những « thông điệp về niềm hy vọng, về tình bạn và hòa bình ».

Năm 1867 đem bản An der schönen blauen Donau đến Paris, để trình diễn lần đầu tiên, chính Johann Strauss đã nói về đứa con tinh thần của mình như vậy khi tiếp kiến Hoàng đế Pháp, Napoléon III. Từ đó trở đi Dòng Sông Xanh đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại.

Gặp bất kỳ một người Áo nào, ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần nói về bản valse Dòng Sông Xanh, cũng đủ để họ mình rưng rưng nước mắt. Le Beau Danube Bleu ẩn chứa một chút thoáng buồn và lãng mạn của các nước Slave, nhưng cũng đậm nét vui tươi, đầy nhựa sống, nhẹ nhàng, lả lướt nhưng không hời hợt, ảnh hưởng từ những nền văn hóa của Ý, và của Đức.

Sông Danube và Vienne

Nước Áo cổ kính nằm ở giữa lòng châu Âu. Trung tâm của Áo là thành Vienne nơi có dòng Danube chảy qua. Giữa dòng, là quận Leopoldstadt, ở giữa quận có ngôi nhà của gia đình Strauss. Con sông không hiền hòa. Vào mỗi mùa nước lớn, gia đình Strauss thường phải sơ tán. Ông nội của Johann Strauss bị dòng nước cuốn trôi.

Vào thế Kỷ thứ XIX truyền thống lễ hội hóa trang bị cấm, để tránh xảy ra những vụ ám sát. Nhưng người dân Áo, đặc biệt là người của thành Vienne, lại nổi tiếng thích hội họp, khiêu vũ. Trong bối cảnh đó, Johann Strauss cha đã trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng nhờ sáng tác những bản valse để cho dân tình giải trí. Điệu valse vừa đơn giản, vừa cuốn hút nên đã dễ đi vào lòng người, dễ chinh phục được đủ mọi tầng lớp từ các bậc vua chúa, vương tôn công tử, đến giới bình dân.

Johann Strauss con (1825-1899), sinh và lớn lên bên dòng Danube. Nhịp độ của con sông như thấm vào từng hơi thở của chàng nhạc sĩ. Thân phụ của Johann là Srauss cha (1804-1849), một nhà soạn nhạc rất nổi tiếng của thành Vienne nhưng ông lại không muốn con cái mình phải sống với cây đàn.

Trời không chiều người. Johann Strauss con sớm chứng minh mình là một nhạc sĩ vĩ cầm tài hoa. Năm 19 tuổi, Johann được mời làm giám đốc một nhà hát ở ngoại ô thủ đô nước Áo. Báo chí thành Vienna năm 1844 cho rằng Johann Strauss con có tài hơn cha. Vô hình chung, hai bố con nhà Strauss trở thành những kình địch của nhau trong lòng người hâm mộ.

Có điều Johann Strauss cha là người có đầu óc kinh doanh và thực dụng. Ông sớm hiểu ra rằng tiền tài và danh vọng đang chờ đợi họ, nếu hai bố con ông gạt sang một bên những bất đồng để cùng xây dựng một « tổ hợp » sáng tác, lưu diễn ở khắp mọi nơi.

Tiếc là Johann Strauss cha chưa bao giờ được thưởng thức bản valse nổi tiếng nhất của con trai. Dòng Sông Xanh ra đời hơn 20 năm sau khi ông mất. Năm 1866 Johann Strauss con, khi đó đã 42 tuổi, hòan tất bản valse nổi tiếng nhất mọi thời đại này. Vậy mà thiếu chút nữa Le Beau Danube Bleu phải chết yểu.

Dòng Sông Xanh : từ thất bại đến thành công


Tháng 2 năm 1867 Dòng Sông Xanh được trình diễn lần đầu tiên tại thành Vienne. Nhưng đó cũng là lần đầu Johann Strauss soạn một bản valse có lời. Lời dựa trên một bài thơ của một quan chức trong ngành cảnh sát thời bấy giờ sáng tác. Khi dàn đồng ca cất lên những lời thơ ngớ ngẩn thì đã bị khán giả chê cười. Chẳng còn ai để ý đến phần âm nhạc, đến chất lãng mạn, lôi cuốn, bay bổng của Johann Strauss.

Dòng Sông Xanh chìm vào quên lãng của chính tác giả

Ba tháng sau, sang Pháp trình diễn trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm toàn cầu, Strauss đã chinh cả Paris. Khi đã giới thiệu với công chúng tất cả những kho tàng sáng tác của mình, mà khán giả vãn đòi được thưởng thức nhạc những bản valse của Strauss, Johann sực nhớ tới Dòng Sông Xanh. Nhưng lần này ông quyết định chỉ giới thiệu phần nhạc mà cố tình bỏ hẳn dàn đồng ca.

Đêm 28/05/1867, Le Beau Danube Bleu của ông đã được khán giả Paris đòi « bis » đến 20 lần. Dàn nhạc do Johann Strauss điều khiển đã phải chơi đi chơi lại bản valse này tới 20 lần. Sự kiện chưa từng có trong lịch sử âm nhạc.

Kể từ đêm hôm ấy, An der schönen blauen Donau - The Blue Danube - Le Beau Danube bleu hay Dòng Sông Xanh không còn là tài sản âm nhạc và nghệ thuật riêng của người Áo. Tác phẩm đó trở thành « gia tài chung » của những người yêu âm nhạc trên thế giới.

Tiếng đại bác đi trước tiếng nhạc

Tiếng tăm của Strauss sau đêm trình diễn ở Paris đó vượt Đại Tây Dương. Thành phố Boston bên bờ đông nước Mỹ đã làm đủ mọi cách để mời cho được nhạc sĩ người Áo này sang trình diễn. Ngày 17/06/1872 nhân lễ hội âm nhạc, Johann Strauss điều khiển một dàn nhạc với 20.000 nhạc công với sự hỗ trợ của khoảng 100 ông nhạc trưởng để phục vụ cho 100.000 khán giả.

Sau này trong một lá thư, cha đẻ của Dòng Sông Xanh bằng một giọng văn khá khôi hài ông kể lại cái buổi trình diễn mà Strauss đứng trên bục cao chót vót hôm đó : « Tôi lo lắng không biết phải mở đầu và kết thúc buổi hòa tấu thế nào. Hôm ấy mà tôi bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ bị đưa lên đoạn đầu đài. Thế rồi một phát đại bác là tín hiệu để dàn nhạc bắt đầu. Tôi cầu nguyện cho tất cả nhạc công kết thúc Dòng Sông Xanh cùng một lúc. Lạy chúa, mọi sự đều chôi trảy (…) Ngày hôm sau, tôi bị một đội quân của các ông bầu nhà hát rượt đuổi. Tôi phải chạy trốn. Họ muốn tôi lưu diễn trên toàn nước Mỹ ».

Đâu đó, Johann Strauss là một trong những « pop star » quốc tế đầu tiên trên thế giới, tương tự như những Frank Sinatra, Elvis Presley ở vào thập niên 1950 hay ban nhạc Beatles vào những năm 1960.

Với Le Beau Danube Bleu, « tổ hợp » âm nhạc của gia đình Strauss lại càng được phát triển. Hai người em Josef và Eduard phải tiếp tay với Johann để điều khiển không biết bao nhiên dàn giao hưởng Johann Strauss chỉ riêng trên nước Áo để đáp ứng khát vọng quá lớn của khán giả.

Giải thích về sự nhiệm màu của bản Dòng Sông Xanh chính tác giả viết : Cùng một bản nhạc, nhưng biểu diễn để cho những cặp đôi khiêu vũ thì phải lôi cuốn, nhịp nhàng, réo rắt, dồn dập. Còn diễn trong một buổi nhạc hòa tấu thì phải thể hiện được chất thơ trong tác phẩm này, phải đưa được thính giả đến với dòng sông. Dung hòa được hai điểm ấy không dễ. Nhưng đó chính là chìa khóa của thành công ».

Màu xanh của Dòng Sông Xanh

Thực ra sông Danube chưa bao giờ khoác lên mình chiếc áo màu xanh lơ như tên bản nhạc được Johann Strauss soạn vào năm 1866. Con sông dài hơn 2.800 km này, khi thì màu nâu, lúc thì váng óng như lụa, lúc ngả màu xanh lục tùy theo ánh sáng mặt trời. Tại sao Strauss lại gọi đấy là dòng sông xanh ? Nhiều người cho rằng, bởi đó là màu của hy vọng mà những cô con gái của thủy thần ngự trị trên dòng sông đã thổi vào hồn nhạc sĩ.

Năm 1939, vào thời điểm đen tối nhất của Châu Âu, gót giày của lính Đức Quốc Xã rền vang trên nước Áo, thì dàn giao nhạc giao hưởng của thành Vienne đặt ra truyền thống tổ chức buổi hòa nhạc vào ngày cuối cùng trong năm với những bản valse để xua tan không khí chiến tranh.

Kể từ năm 1958 chương trình buổi hòa nhạc đầu năm của Dàn nhạc giao hưởng Vienne không bao giờ quên Dòng Sông Xanh. Năm 1973, lần đầu tiên Orchestre Philharmonique de Vienne biểu tại Thượng Hải, lập tức khán giả Trung Quốc bị bản valse của Strauss thôi miên. Nhưng sau đó các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh cho rằng điệu nhạc quá cuốn hút và bay bổng đó tạo cho người nghe cảm tưởng tự do. Đó là điều nguy hiểm. Dòng Sông Xanh bị cấm trên quê hương Mao trong một vài năm sau lần hội ngộ đó.

Nhưng ngày nay Trung Quốc là một trong số 72 quốc gia trên thế giới phát chương trình biểu diễn đón mừng năm mới.

Theo truyền thống của buổi hòa tấu đầu năm tại Vienne, sau điệu valse với Dòng Sông Xanh của Johann Strauss con thì nối tiếp chương trình bao giờ cũng là bản Marche de Radetzky của Johann Strauss cha với điệu quân hành. Đâu đó như thể người Áo muốn bày tỏ lòng biết ơn với cả hai bố con ông Strauss.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống