Friday, February 27, 2015

Bảy bản dịch bài thơ Xuân Vọng

Viên Linh
Xuân Vọng là bài thơ nói về một đất nước chiến tranh của Đỗ Phủ (712-770) mà nhiều thế hệ các thi sĩ Việt Nam đã ngâm vịnh, dịch thuật qua quốc ngữ. Tương tự như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu có khoảng mười bản dịch, bài thơ của Đỗ Phủ cũng có vô số bài chuyển ngữ, và đó chỉ nói đến những dịch giả tên tuổi.

n
Nhà thơ Đỗ Phủ theo một bản khắc gỗ Trung Hoa.
(Hình: tác giả cung cấp)
Phiên âm bài thơ:

Đỗ Phủ

Xuân Vọng

Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hỏa liên tam nguyệt
Gia thư để vạn câm.
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thăng trâm.
(Đỏ Phù làm bài này vào năm 757)

Giáo Sư Trần Trọng San diễn nghĩa: Nước đã bị tàn phá, nhưng núi sông hãy còn đây. Trong thành xuân, cỏ cây mọc đầy. Hoa rơi lệ vì thương cảm thời thế. Chim sợ hãi vì mối hận biệt ly. Khói lửa liên miên ba tháng. Thư nhà đưa đến, quí báu như muôn lạng vàng. Trong lúc buồn phiên, xoa mái đầu bạc, thấy tóc ngắn. Tóc so le, không cài trâm được.

Ta hãy đọc bản dịch bài thơ này qua các thể thơ khác nhau, và bởi các dịch giả khác nhau.

Trước hết là bản dịch theo thể thơ Song Thất Lục Bát Bát, cứ hai câu bảy chữ xen với hai câu sáu tám:

Trần Trọng Kim

Trông Xuân

Nước phá tan, núi sông còn đó,
Đầy thành xuân cây cỏ rậm sâu.
Cảm thời hoa đỏ dòng châu
Biệt ly tủi giận, chim đau nỗi lòng.
Ba tháng khói lửa ròng không ngớt,
Bức thư nhà giá đáng bạc muôn.
Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun,
Dường như hết thảy, e khôn búi tròn.
(Trần Trọng Kim, Đường Thi, tr. 183)

Ba bản dịch Lục Bát, bài thơ được chuyển qua thể thơ thuần túy Việt Nam:

Trần Trọng San

Ngóng Xuân

Nước tàn, sông núi còn đây
Thành xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi
Cảm thời, hoa cũng lệ rơi
Lòng chim cũng sợ tình đời Bắc Nam.
Lửa binh ba tháng lan tràn,
Thư nhà đưa đến muôn vàn chắt chiu.
 Xoa đầu, tóc bạc ngắn nhiều,
So-le, phơ phất, khó điều cài trâm.
(Trần Trọng San, Thơ Đường, cuốn II, tr. 98)

Đỗ Bằng Đoàn
Bùi Khánh Đản

Ngày Xuân Trông Về Quê Hương

Nước tan, sông núi còn đây
Thành xuân tươi tốt cỏ cây một màu
Thương đời, hoa rỏ dòng châu
Biệt ly, chim cũng như đau nỗi lòng
Lửa binh ba tháng chưa xong
Tin nhà một lá thư phong nghìn vàng
Gãi đầu, tóc trắng như sương
Nay đà rụng ngắn khôn đường cài trâm.
(Đường Thi trích dịch, tr. 819-820)

Hai bài trên có những câu gần như giống nhau hoàn toàn khiến người đọc có thể suy đoán các dịch giả sau đã bị ảnh hưởng bởi người đi trước, dù có thể là không cố ý vì đã nhập tâm. Do bó buộc của vần điểu và số chữ ngắn dài của câu thơ, bản lục bát trên đã phải thêm vào hai chữ trong nguyên tác: Bắc, Nam. Cũng tương tự, bản dịch dưới thay vì cuộc chiến đã kéo dài ba tháng, lại dịch thành một năm: “Tháng Ba rồi lại Tháng Ba:”

Khương Hữu Dụng

Nước dẫu mất, sông núi còn
Thành xuân quạnh quẽ um tùm cỏ gai
Cảm thời, hoa để lệ rơi
Biệt ly, chim cũng vì người xót xa.
Tháng ba rồi lại tháng ba
Thư nhà buổi loạn đáng là vàng muôn.
Gãi đầu tóc bạc thêm cùn
Búi lên sổ xuống, trâm luồn lại rơi.

Bản dịch Thất Ngôn Bát Cú:

Nguyễn Quan Hà

Sông núi còn đây nước mất rồi,
Thành Xuân cây cỏ vẫn xanh tươi
Cảm thời hoa nọ luôn rơi lệ,
Hận biệt chim kia mãi rụng rời
Ba tháng tơi bời tràn khói lửa
Thư nhà trân quý vạn vàng mười
Tóc đầu đã ngắn còn thêm bạc,
Lòng muốn trâm kia chẳng thể cài.

Bản Dịch Ngũ Ngôn có hai dịch giả, hai bài dịch khác nhau, một ở Việt Nam và một ở Santa Ana.

Lê Nguyên Lưu

Trông Cảnh Xuân

Nước mất, còn sông núi,
Thành Xuân cỏ chất chồng.
Hoa thương thời nhỏ lệ,
Chim giận biệt đau lòng.
Khói lửa liền ba tháng,
Thư quê đáng vạn đồng.
Bạc đầu cùn mái tóc,
Trâm bạc khó cài xong.
(Đường Thi tuyển dịch, tr.499)

Tuệ Pháp

Mong Xuân

Nước tan sông núi ở
Phố Xuân cỏ cây đầy
Thương thời hoa nhỏ lệ
Đau biệt chim hoảng bay.
Khói lửa liền ba tháng
Thư nhà ví ngàn vàng
 Đầu bạc tóc thưa ngắn
Cài không nổi cái trâm.
(Santa Ana, 2002)

Theo học giả Ngô Tất Tố, “Đỗ Phủ tự là Tử Mỹ, người ở Tương-dương, ngụ tại Thiếu-lăng. Thuở trẻ tuổi nhà rất nghèo. Đi thi Tiến-sĩ không đậu. Trong đời vua Huyền-tôn, Đỗ tới Trường-an, có dâng luôn ba bài phú. Huyền-tôn xem lấy làm lạ, bèn cho làm chức thị-chế ờ viện Tập-hiền. Lúc An-Lộc-Sơn nổi loạn, Đỗ ở Lộc-châu, nghe tin Túc-tôn lên ngôi vua ở quận Lĩnh-vũ, định chạy đến nhà hành-tại của vua ấy. Chẳng may đi đến giữa đường thì bị quân giặc bắt giam. Mãi hai năm sau (758) mới trốn ra được. Khi vào yết-kiến Túc-tôn, Đỗ được phong làm chức Hữu-thập-di. Rồi vì một việc chi đó, lại bị giáng làm Tư-công ở Hoa-châu. Gặp lúc đói-kém, rối-loạn, Đỗ bèn bỏ quan lưu-lạc vào vùng Kiếm-Nam. Khi ấy Nghiêm Vũ đương coi đất Thục, thấy Đỗ, bèn tâu vua cho làm chức Công-bộ viên-ngoại-lang. Trong đời Đại- lịch, Đỗ đến ngụ ở Lỗi-dương. Một đêm say rượu quá rồi chết. Bấy giờ mới 59 tuoi. Đỗ đọc sách rất rộng. Thi-ca của Đỗ làm ra thường thường có vẻ mông mênh, bao la như làn bể rộng, gồm đủ nghìn hình muôn trạng.” Nguyên Chẩn khen rằng, “Từ khi có người làm thơ đến nay, chưa ai được như Đỗ.” (Đường Thi, phiên dịch và khảo cứu, tr. 22-23 bản Tao Đàn in lần thứ nhất, Hà Nội, tháng 4, 1940-VL sưu tập Tết Ất Mùi)

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống