Saturday, January 24, 2015

Làm sao để đưa đờn ca tài tử vào trường học?

don-ca-622
Biểu diễn Đờn ca tài tử tại Lễ đón nhận bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại TPHCM.
Ngành Mai, thông tín viên RFA

Lần phát thanh cổ nhạc kỳ vừa qua tôi đã trình bày vấn đề đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời tôi cũng nêu lên việc mới vừa hình thành một câu lạc bộ đờn ca tài tử tại Hà Nội, và bắt đầu hoạt động hàng tuần mỗi Chủ Nhựt. Sự kiện ấy đã cho thấy rằng nghệ thuật dân gian này được nối dài ra miền Bắc.

Phát hiện tài năng trẻ

Trước đó vài hôm ở Sài Gòn cũng có một buổi tọa đàm tại Viện Bảo Tàng, tham dự viên gồm các nghệ nhân, giáo sư từng dạy cổ nhạc ở đại học, và viên chức chính quyền thuộc sở văn hóa, mà chủ yếu là xoay quanh vấn đề làm sao đưa đờn ca tài tử vào trường học.
Có những đề nghị được đưa ra là nên thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong trường học, để các em tự sinh hoạt và sở văn hóa nên hỗ trợ nhạc cụ. Hiện tại thì ở trường trung học Trần Đại Nghĩa đã có nơi sinh hoạt cho các em ham thích đờn ca tài tử, và đã có những em biết ca biết đờn cổ nhạc. Một viên chức Sở Văn Hóa Thông Tin có đến thăm đã nhận thấy cụ thể như vậy, và chỉ đạo các quận, huyện phát hiện tài năng trẻ để có kế hoạch giúp đỡ thiết thực.
Vấn đề quan trọng là dạy cái gì cho các em dễ nắm bắt. Tiến sĩ Mỹ Liên bức xúc: “Trong kho tàng đờn ca tài tử còn biết bao nhiêu bài bản ngắn gọn, dễ thương như Lưu Thủy Hành Vân, Thu Hồ, Phong Ba Đình... sao không dạy mà đã vội bắt các em vô bài bản lớn hoặc dạy tân cổ giao duyên!”. (Có lẽ ở trường trung học Trần Đại Nghĩa hay trường nào đó đã có dạy như vậy).
Nghệ nhân Thanh Tùng cũng từng đi dạy thường xuyên cho các trường đại học, nhận thấy sinh viên cũng cảm thụ đờn ca tài tử. Soạn giả Ngô Hồng Khanh thì lại lo lắng về chuyện người dạy, ông nói: “Ngoài trường học còn có các lò đào tạo riêng bên ngoài, nhiều người mới học đờn chưa vững nhịp mà đã đi dạy, báo hại học trò mất căn cơ, nguy hiểm quá”. Chính vì vậy, nhạc sĩ Nhất Dũng mong các nghệ nhân trong các câu lạc bộ đờn ca tài tử hỗ trợ giảng dạy cho các trường học, bởi ngay các giáo viên trong trường cũng ít được tiếp xúc đờn ca tài tử.
Vấn đề đưa đờn ca tài tử vào trường học, theo tôi thì rất hay, nếu có như vậy thì rồi đây trên đất nước đâu đâu cũng có đờn ca tài tử, thế hệ trẻ sẽ có cơ hội tham gia. Thế nhưng, đường hướng thực hiện như thế nào để mang lại kết quả cao như sự mong muốn, là điều mà hầu như những ngườiuan tâm đến sự kiện ai cũng thắc mắc.
Đưa đờn ca tài tử vào trường học, để cho các em học sinh nào ưa thích thì tham gia sinh hoạt học hỏi, chớ không bắt buộc phải học. Cũng nên nhớ rằng người tham gia đờn ca tài tử là tự nguyện, thích mà vào, chớ như khuyến khích hoặc hứa hẹn gì đó để lôi kéo các em vào thì sẽ đưa đến tình trạng nhân số báo cáo thì nhiều, mà nhân tài thực sự lại chẳng được bao nhiêu. Có lượng mà không có phẩm, các trường học đừng chạy theo chỉ tiêu để lập báo cáo lấy điểm.
Riêng về người dạy các em phải là nghệ nhân rành rẽ về đờn ca cổ nhạc, từng tham gia đờn ca tài tử thì họ mới nhiệt tình, mới đủ khả năng đảm trách. Điều cũng cần nói rõ thêm là người hướng dẫn phải làm sao cho các em phân biệt được nhạc tài tử và nhạc cải lương, bởi đa số những người hâm mộ cổ nhạc, thích nghe ca vọng cổ, đã vô tình hiểu rằng đờn ca tài tử và hát cải lương giống nhau, tức là không phân biệt được nhạc tài tử và nhạc cải lương. Khi người ta đi coi cải lương, nghe đào kép ca vọng cổ (vì bản vọng cổ không thể thiếu trong tuồng cải lương), ít ai chú ý rằng ca vọng cổ trong tuồng khác với ca vọng cổ ở các nhóm đờn ca tài tử.
IMG_2341-622
Lễ đón nhận bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại TPHCM.
Biết rằng giữa nhạc tài tử và nhạc cải lương có mối quan hệ mật thiết với nhau, và cũng chính vì vậy mà có rất nhiều người hiểu lầm nhạc tài tử là nhạc cải lương hoặc ngược lại. Những người sinh hoạt đờn ca tài tử lâu năm, ai cũng rõ biết nghệ thuật này không phân biệt thành phần đẳng cấp trong xã hội, cũng không phân biệt nam, phụ, lão, ấu hay sang hèn, từ lễ hội tôn nghiêm đến các đám tiệc sang trọng và rất dân dã lúc nhàn rỗi “trà dư tửu hậu” ở đồng quê.
Các ban đờn ca tài tử được mời đờn ca giúp vui cho đám cưới, họ không hề ra giá, gia chủ muốn thưởng bao nhiêu tùy ý, mà không có cũng chẳng sao, không ai phàn nàn. Còn ca cải lương thì phân biệt hẳn hòi, đào nhì kép ba không thể ngang hàng với đào kép chánh. Ca cải lương thì người nghe, tức khán giả phải mua vé, người ca trong cải lương thì phải ra tiền họ mới ca, và phải trả đúng số tiền mà họ ra giá. Trong khi đó thì đờn ca tài tử hoàn toàn miễn phí, nếu có chăng chỉ là tốn tiền ly cà phê. Nói rõ hơn tuy cũng xuất thân từ đờn ca tài tử, nhưng sang qua cải lương thì biến thể, biến chất từ phong cách, lời ca cho đến cách phục vụ.

Phong trào đờn ca tài tử lan rộng

Hiện nay phong trào đờn ca tài tử ở trong nước lớn mạnh, lan rộng đều khắp từ thành thị đến nông thôn với một lực lượng hùng hậu, mà trong đó phải kể luôn những nghệ sĩ cải lương về chiều, hoặc còn đang hành nghề. Hiện tình ấy đã cho người ta cái nhìn thực tế rằng, cải lương có kiệt quệ thì đờn ca tài tử chẳng ảnh hưởng gì hết. Bởi trong khi rạp cải lương thưa dần khán giả, mà các nhóm đờn ca tài tử thì ngày một nhiều hơn, mỗi tỉnh ở miền Nam có hơn cả chục nhóm đờn ca tài tử lớn nhỏ hoạt động thường xuyên. Điều ấy có nghĩa là tiếng đờn câu ca vọng cổ vẫn thu hút người nghe, thì dĩ nhiên đờn ca tài tử vẫn tồn tại.
Người chơi đờn ca tài tử càng lớn tuổi càng lâu năm thì càng được lớp đàn em kính trọng nể vì, xem như thầy, như anh, như chị. Còn ca cải lương thì lúc đương thời được người ta trọng vọng, xem là thần tượng nhưng đến khi luống tuổi đã về chiều, ca diễn không còn hấp dẫn, thì hầu như bị thiên hạ xa lánh, bạn bè thân hữu chẳng thấy, và cuối cùng càng về già thì đa số lâm vào hoàn cảnh vô cùng túng thiếu, bệnh hoạn, và chết trong cảnh nghèo.
Được UNESCO công nhận thì chắc rằng sẽ có tài trợ để bảo tồn. Nếu như xài hết ngân khoản mà chẳng đáp ứng được yêu cầu thì sẽ ăn nói làm sao đây với người ta, với tổ chức của Liên Hiệp Quốc. Bởi vậy cần phải nghiên cứu thật kỷ lưởng, phải nhìn lại quá trình hoạt động đờn ca tài tử ở trong Nam để rút kinh nghiệm thì mới hy vọng thành công.
Nói thêm về vấn đề thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử, thì kinh nghiệm trong quá khứ tôi thấy rằng, nếu như ai đó ham thích thì tự động họ tìm đến tham gia, học hỏi, gặp khó khăn mấy cũng cố gắng vượt qua. Còn như không thích thì dù cho thuyết phục, đãi đằng ăn uống, họ cũng thờ ơ, lơ là, chẳng học hỏi gì cả. Cuối cùng thì viện lý do nào đó để rời nhóm. Hoặc nói rằng họ không có năng khiếu nên chờ thời gian khác vậy.
Riêng về phía câu lạc bộ thì phải thể hiện tinh thần “tài tử” như danh xưng, và hiểu rằng đây là nơi sinh hoạt chung của giới mộ điệu. Nếu là câu lạc bộ đờn ca tài tử thì không phải chỉ những người đến đây ca hát thôi, mà phải tính luôn số khán giả đến để nghe nữa. Phải có nhiều người tham gia thì mới tạo được bầu không khí sinh động. Nên tạo sự dễ dãi mới lôi cuốn được giới ham thích, phải cho người ta có cảm tưởng ở đây là nơi thân tình, đón tiếp thực sự. Chớ còn như tạo sự khó khăn, ra điều kiện này nọ thì chẳng ai thèm tham gia cho rắc rối.
Còn một vấn đề nữa tuy nhỏ cũng phải lưu ý, vì nó cũng có thể đưa đến sự thành bại, đó là việc ăn uống trong câu lạc bộ. Phải hiểu rằng người mộ điệu đến với đờn ca tài tử, họ đủ mọi thành phần trong xã hội, nhưng điều kiện đời sống thì không phải ai cũng như ai, có kẻ giàu người nghèo, sang hèn đều có.
Nếu như câu lạc bộ lợi dụng chỗ đông người để bán thức ăn nước uống, dầu rằng giá bình dân cũng coi như hạn chế con số người tham gia, rồi dần dà đưa đến thất bại. Người ta đặt ra một thí dụ, nếu như hai người cùng ngồi một bàn, cùng thưởng thức lời ca tiếng hát, mà người có tiền họ kêu thức ăn nước uống. Trong khi đó người không tiền ngồi xem người ta ăn, sẽ tự ái, chưa chắc gì họ đến đây thêm một lần nữa. Có người cho ý kiến nếu như có ngân quỹ, câu lạc bộ nên trích ra một ít phục vụ nước uống, bánh kẹo để mọi người cùng chung hưởng vui vẻ, chứ không bán thêm thức ăn nước uống gì cả. Và tuyệt đối rượu không được mang ra ở đây, trước sau gì cũng gây nên lộn xộn.
Suốt hơn nửa thế kỷ tham gia đờn ca tài tử, tôi chưa thấy chỗ nào mà gia chủ bán đồ ăn đồ uống. Nếu có món gì đó thì mang ra ăn uống chung, hoặc khán giả đi coi cũng có khi mang nầy nọ đến tặng cho buổi sinh hoạt đờn ca. Đến với đờn ca tài tử thì không phân biệt gì hết, có tiền hay không tiền thì cũng vậy thôi, có lẽ nhờ vậy mà đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ ở miền Nam.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống