Thursday, April 10, 2014

• Từ đàn tranh quê hương đến Đại Hí Viện thế giới


Nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn đàn tranh
Nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn đàn tranh
Ảnh do tác giả gởi
Thanh Trúc, phóng viên RFA

Võ Vân Ánh là một nghệ sĩ đàn tranh, đã thực hiện được ước mơ đưa nền âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam đến với thế giới. Cơ duyên, hay định mệnh, khiến cô trở thành một nghệ sĩ nhạc dân tộc, phát xuất từ nơi chốn cô sinh ra và lớn lên. Cô nói:
Bố của Vân Ánh là nghệ sĩ chơi đàn ghi ta, là người thầy đầu tiên dạy mình những nốt nhạc đầu tiên. Gia đình mình sống ở Hà Nội, trong một khu gọi là Khu Văn Công Mai Dịch, tại vì chính phủ chu cấp nhà cho các nghệ sĩ trong tất cả các ngành nghệ thuật sống ở đó.
Trong cái môi trường như vậy thì mình có điều kiện tiếp cận. Từ sáng sớm bắt đầu đã có người tập đàn tập hát rồi. Có khi đàng trước mặt thì có người đang tập hát Opera, đằng sau thì có người đang hát chèo, bên tay trái mình thì có người lại thổi kèn saxophone nhưng mà bên tay phải của mình thì có người đang tập đàn cò …Trong cái môi trường như thế thì nó cứ ngấm dần vào Vân Ánh lúc nào không biết . Mình càng ngày càng hiểu được và thấy được dân ca của mình đều phản ánh đều kể về nét văn hóa truyền thống của người Việt mình.
Khi còn nhỏ, thay vì học đàn cello, Vân Ánh đã chọn học đàn tranh. Năm 1995 Võ Vân Ánh tốt nghiệp ưu hạng Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia, nay là Nhạc Viện Hà Nội . Cũng năm 1995, cô đoạt giải nhất Cuộc Thi Tài Năng Trẻ Đàn Tranh Toàn Quốc và giải nhất Độc Tấu Nhạc Dân Tộc Hiện Đại. Sử dụng thông thạo sáu nhạc cụ dân tộc khác nhau như đàn bầu, đàn cò, đàn nhị, đàn tam thập lục, đàn T’rưng, đàn K’longput của người Thượng, rồi các bộ trống dân tộc, còn gọi là bộ gõ, nhưng đàn tranh mới là nhạc cụ đưa cô đi thật xa, qua hơn hai mươi quốc gia trên thế giới. Năm 2001, Vân Ánh lập gia đình và theo chồng sang Hoa Kỳ, định cư tại San Francisco, tiểu bang California:
Nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh
Nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh
Từ sáng sớm bắt đầu đã có người tập đàn tập hát rồi. Có khi đàng trước mặt thì có người đang tập hát Opera, đằng sau thì có người đang hát chèo, bên tay trái mình thì có người lại thổi kèn saxophone nhưng mà bên tay phải của mình thì có người đang tập đàn cò …Trong cái môi trường như thế thì nó cứ ngấm dần vào Vân Ánh lúc nào không biết
Vân Ánh
Trước khi sang định cư ở Mỹ Vân Ánh đã đi trình diễn tới 25 nước trên thế giới, Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ , chỉ có Châu Phi là Vân Ánh chưa bao giờ tới thôi. Nhiều nước Vân Ánh quay đi quay lại như Pháp là năm lần, rồi Ý rồi những nước Đông Âu. Châu Á thì thường xuyên, sau khi tốt nhiệp Nhạc Viện Quốc Gia và đạt giải nhất về đàn tranh quốc gia thì từ năm 1995 cho đến 2000 là Vân Ánh đi trình diễn ở hai mươi mấy quốc gia như vậy.
Sang đây thì Vân Ánh có dịp biết và tiếp cận được với nhiều những nghệ sĩ đến từ các nước, bắt đầu nhìn thấy, nhất là ở vùng Vịnh San Francisco này như một trong những cái nôi văn hóa nghệ thuật của nước Mỹ, Vân Ánh được đi xem rất nhiều những chương trình nghệ thuật văn hóa của các nước, Vân Anh thấy mỗt nước có một vẻ đẹp văn hóa khác nhau. Việt Nam mình với bốn ngàn năm văn hiến thì không biết bao nhiêu những vẻ đẹp những nét truyền thống mà chưa ai chia xẻ được. Hơn nữa, Vân Ánh lại thấy người Mỹ ở đây biết đến Việt Nam chỉ là qua cuộc chiến thôi . Từ đó Vân Anh nghĩ làm sao có thể chia sẻ được vẻ đẹp thật đặc sắc và trung thực của văn hóa Việt Nam. Thế là mình làm thôi.
Năm 2012, một sự kiện hi hữu đến với nghệ sĩ Võ Vân Ánh, cô được mời trình diễn tại Thế Vận Hội Olympics London, đã đứng trên sân khấu cùng ban tứ tấu đàn dây nổi tiếng của Hoa Kỳ là Kronos Quartet:
Trong chương trình thì có sáu sân khấu khác nhau nằm rải rác trong toàn thành phố London, năm sân khấu cho năm châu lục, một sân khấu cho các nước vùng biển đảo (Oceanic Countries). Vân Ánh được mời trình diễn trên sân khấu của Châu Á.
Một điều rất tự hào là 9 nước Đông Á có tổng cộng thời gian 45 phút để trình diễn, nhưng mà nhạc dân tộc Việt Nam thì Vân Ánh có tới 30 phút cho một mình Vân Ánh trình diễn. Vân Ánh đã đem đàn tranh, đàn bầu, Vân Ánh hát chầu văn, ả đào và các bài nhạc mà Vân Ánh viết cho một tứ tấu đàn dây nổi tiếng nhất của Mỹ là tứ tấu Kronos Quartet.
Khi chia sẻ với khán giả mà nhiều người chưa biết đến văn hóa Việt Nam, và cũng có một số người đã từng ở Việt Nam thời điểm 1965-1975, thật sự buổi diễn nào Vân Anh cũng có những khán giả mà họ nói là không bao giờ biết văn hóa Việt Nam lại có những âm thanh màu sắc đặc biệt như vậy, nó đem sự rung động khác nhau cho khán giả. Có nhiều cựu chiến binh người Mỹ cảm ơn là Vân Ánh đã cho họ một cái phần mà họ nghĩ rằng mặc dù họ đã ở Việt Nam nhưng họ không biết đến, nó rất là an bình ở trong đó.
Từ khi sang Mỹ, Võ Vân Ánh đã phát hành ba CDs, bao gồm các bản nhạc nổi tiếng viết cho đàn tranh vốn là sở trường của cô:
Đĩa nhạc đầu tiên tựa đề Mười Hai Tháng, Bốn Mùa Twelve Months, Four Seasons. Cái tựa đề Mười Hai Tháng Bốn Mùa biểu tượng cho cái đàn tranh Việt Nam có 16 dây, mỗi một dây biểu tượng cho một mùa và một tháng. Mỗi một lần chơi một dây đàn thì nó mang lại một cảm xúc khác nhau, một cái âm thanh khác nhau. Cứ tưởng tượng mà xem mỗo dây đàn vang lên trong một ngày có bao nhiêu sự thay đổi và trong một tháng có bao nhiêu thay đổi. Một dây đàn cũng có thể nói lên được sự thay đổi.
Một điều rất tự hào là 9 nước Đông Á có tổng cộng thời gian 45 phút để trình diễn, nhưng mà nhạc dân tộc Việt Nam thì Vân Ánh có tới 30 phút cho một mình Vân Ánh trình diễn.
Vân Ánh
Đĩa nhạc CD thứ hai mà Vân Ánh làm là She’s Not She, Cố Ấy Không Còn Là Cô Ấy Hôm Qua, bao gồm các tác phẩm viết cho đàn tranh mà Vân Ánh cùng với Đỗ Bảo là một nhạc sĩ rất thành công tại Việt Nam cùng tham gia viết chính cho đĩa CD đó. Vân Ánh có hai bản nhạc đồng sáng tác cùng với Đỗ Bảo.

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn đàn bầu
Nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn đàn bầu


She’s Not She cũng là bản nhạc tâm điểm của CD She’s Not She, mà Vân Ánh dịch ra là  Cô Ấy Không Còn Là Cô Ấy Hôm Qua, thể hiện rõ nét sự chuyển hướng trong lối trình diễn cũng như sáng tác của Võ Vân Ánh. Cô thổ lộ:
Bởi vì She’s Not She ra sau đĩa Mười Hai Tháng Bốn Mùa  gần như là tám năm, lúc đó là lúc mà Vân Ánh nhận thấy rằng âm nhạc của Vân Ánh cần phải đi theo một con đường khác và phải đem được tiếng nói mà nó mang âm hưởng Việt Nam, dựa trên toàn bộ cái nền tảng văn hóa cổ truyền Việt Nam nhưng mà phải đem được cái suy nghĩ cũng như là tiếng nói của thế hệ trẻ, tức là thế hệ của Vân Ánh và thế hệ chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI này.
Văn hóa Việt Nam mình rất là hay rất là đẹp nhưng để có thể làm cho khán giả yêu thích, đặc biệt là khán giả ở bên Mỹ này, thì không phải đơn giản cứ đưa ra là người ta thích. Cho nên mình phải có cách làm sao cho họ thấy được cái chiều sâu của nền văn hóa chứ không phải chỉ là cái chiều nổi của nó.
Đĩa CD thứ ba mà gần đây nhất Vân Ánh mới làm xong là Three Mountain Pass, tên tiếng Việt là Đèo Ba Đội. Đây là CD đầu tiên bao gồm các tác phẩm toàn do Vân Ánh viết, sáng tác hoặc là hòa âm. Trong CD Three Mountain Pass Đèo Ba Đội thì Vân Ánh dùng thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ từ thế kỷ XVIII mà đã dám viết dám nói lên những mong muốn của người phụ nữ trong một xã hội mà gần như người phụ nữ không được coi trong. CD Three Mountain Pass thì Vân Ánh cũng mời nhóm tứ tấu Krono Quartet làm khách mời danh dự. Đặc biệt nhóm đó đã chơi một bản nhạc tài tử cải lương là bản Lưu Thủy Trường rất nổi tiếng trong vốn tài tử cải lương của người Việt mình.

Nhạc truyền thống Việt Nam trong điện ảnh

Có thể nói không quá thì Võ Vân Ánh là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đã giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam trên đài KTSF 26 073 ở San Francisco, được lên chương trình phỏng vấn All Thing Considered trên NPR National Public Radio của Hoa Kỳ. Ngoài ra, cô thường mang đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng đến biểu diễn tại các trường học hay thư viện ở địa phương.
Cơ hội làm nhạc cho phim ảnh đến với Võ Vân Ánh như một thử thách bất ngờ. Cô được mời làm nhạc nền cho ba bộ phim , Daughter From Danang Người Con Gái Đà Nẵng, Bolinao 52 cùng sáng tác với nghệ sĩ Nhật Bản Mark Izu, A Village Named Versailles Ngôi Làng Mang Tên Versailles.
Làm nhạc phim, thu thanh cho nhạc phim là lãnh vực Vân Ánh làm đã rất lâu ở Việt Nam. Khi Vân Ánh sang Mỹ trình diễn năm 1995 thì tên của Vân Ánh chắc đã nằm đâu đấy trong archive rồi. Khi Vân Ánh chuyển sang đây thì nhà sản xuất phim Người Con Gái Đà Nẵng đã tìm được Vân Ánh và mời Vân Ánh tham gia cùng. Khi làm việc với họ thì họ hỏi mình rất nhiều về văn hóa Việt Nam. Khi thấy họ muốn biểu tả một cảnh của miền Nam mà họ lại dùng nhạc nghe rất là miền Bắc hoặc thâm chí họ viết nhạc như của Trung Hoa thì Vân Ánh nghĩ cần phải thay đổi như thế này mới đúng. Sau khi làm việc như thế thì cuối cùng họ mời Vân Ánh làm người đồng sáng tác bởi vì sự đóng góp của Vân Ánh trong nhạc phim rất là nhiều.
Bộ phim Người Con Gái Đà Nẵng từng đoạt giải nhất Sundance Film Festival 2002 và từng được đề cử giải Oscar 2003. Bolinao 52, bộ phim thứ hai, đoạt giải Emmy Award 2009 cho cả nhạc và phim:
Khi thấy họ muốn biểu tả một cảnh của miền Nam mà họ lại dùng nhạc nghe rất là miền Bắc hoặc thâm chí họ viết nhạc như của Trung Hoa thì Vân Ánh nghĩ cần phải thay đổi như thế này mới đúng...thế thì cuối cùng họ mời Vân Ánh làm người đồng sáng tác bởi vì sự đóng góp của Vân Ánh trong nhạc phim rất là nhiều
Vân Ánh
Nhà sản xuất phim Bolinao 52 cần ngừơi về nhạc dân tộc Việt Nam thì Vân Ánh cũng bắt đầu chỉ là một người thu nhạc phim cho Bolinao 52. Nhưng sau đó họ thấy là họ cần rất nhiều ý kiến và sự đóng góp tđặc biệt trong các cây đàn dân tộc của Việt Nam . Bởi vì Mark Izu là người Nhật không biết được kỹ thuật hay âm hưởng nào để có thể nói lên được văn hóa của người Việt mình, nên là sau đó Vân Ánh được thăng chức lên thành người đồng sáng tác trong bộ phim đó. Bộ phim được giải thưởng Emmy cho cả nhạc cả phim.
Cũng năm 2009, bộ phim A Village Named Versailles, Ngôi Làng Mang Tên Versailles, mà Vân Ánh là người đồng sáng tác nhạc nền cho phim, được nhiều giải trong Liên Hoan Phim ở Mỹ cũng như Liên Hoan Phim Châu Á Thái Bình Dương, chưa kể được giải bình chọn của khán giả.
Tại Hoa Kỳ, nghệ sĩ Võ Vân Ánh từng đi trình diễn nhạc dân tộc Việt Nam tại nhiều hí viện lớn khắp nước như Southwest Chamber Of Music, Grand Houston Opera, Yerba Buena Performing Art Center, Lincoln Center, Kennedy Center ở Washington DC, Carnegie Hall tại New York:
Đó là những lần Vân Ánh được mời để kết hợp cùng với họ làm những chương trình về ca nhạc kịch Châu Âu, European Opera. Nhà hát Opera Mỹ nhưng họ muốn kết hợp những âm thanh của các cây đàn Việt Nam vào trong những sản phẩm của họ.
Vân Ánh là người gần như đầu tiên đem nhạc dân tộc Việt Nam vào dòng nhạc chính thống của Mỹ. Cũng có rất nhiều nghệ sĩ chơi đàn dân tộc Việt Nam nhưng chủ yếu họ chỉ chơi một giòng âm nhạc nào đó ví dụ Chèo hay Huế hoặc Cải Lương thôi. Họ cũng không có khả năng làm việc với cả các nhạc cụ phương Tây hay là viết nhạc. Vân Ánh thì có khả năng đó và Vân Ánh là người giống như là đầu tiên thì mình phải làm sao cho đúng để mở cánh cửa ra cho thế giới thấy âm nhạc Việt Nam văn hóa Việt Nam nó đẹp như thế đó.
Là một nghệ sĩ nặng lòng với âm nhạc dân tộc nay sinh sống, trình diễn và dạy âm nhạc tryền thống Việt trên xứ ngừơi, hoài bảo của Võ Vân Ánh là làm sao nối kết cái hồn cái sắc của âm nhạc truyền thống với cuộc sống đương đại. Bản nhạc She’s Not She và đĩa nhạc She’s Not She, cô bày tỏ với Thanh Trúc, chỉ là một thành quả nhỏ nhoi trên con đường rất dài mà cô phải đi tới.
Mục Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn lại tối thứ Năm tuần tới.
Liên lạc với Thanh Trúc nguyent@rfa.org

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

  1. ĂN TRÔNG NỒI, NGỒI TRÔNG HƯỚNG
  2. Kín cổng cao tường
  3. Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
  4. Kẻ tám lạng người nửa cân
  5. Hồn xiêu phách lạc
  6. Hàng tôm hàng cá
  7. Há miệng mắc quai
  8. Há miệng chờ sung
  9. Gửi trứng cho ác
  10. Giàu làm kép hẹp làm đơn