Tuesday, July 4, 2017

Hàn Mặc Tử: Thi sĩ của đau thương và bất hạnh

pic

Thụy Khuê
Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có tiểu sử đầy đủ nhất trong thi ca hiện đại Việt Nam. Người đầu tiên viết về Hà Mặc Tử là Trần Thanh Mại với cuốn truyện ký Hàn Mạc Tử (nxb Võ Doãn Mại, Huế, 1942), tiếp đó Quách Tấn với cuốn hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử (nxb Quê Mẹ, Paris, 1988), và sau cùng Nguyễn Bá Tín với hai cuốn Hàn Mặc Tử, anh tôi (nxb Tin, Paris 1990) và Hàn Mặc Tử trong riêng tư (nxb Hội Nhà Văn, 1994). Đó là những tư liệu quý với những thông tin khá đầu đủ về cuộc đời tác giả và tác phẩm.

Tiểu sử

Chúng tôi xin nhắc lại sơ lược tiểu sử tác giả, phần lớn dựa theo thông tin của Nguyễn Bá Tín:

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, trong một gia đình công giáo lâu đời, có 6 người con, bốn trai, hai gái (Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín và Hiếu). Tên thánh rửa tội là Phê rô (Pierre), tên thánh thêm sức là Phanxicô Xaviê (Francois-Xavier). Cha làm thông phán phải thuyên chuyển nhiều nơi dọc theo bờ biển Trung Việt từ Đồng Hới tới Quy Nhơn, nên khi ông đổi đến Sa Kỳ (1920), Trí và Tín mới vào tiểu học ở Quãng Ngãi. Tháng 6 năm 1926, sau khi cha mất, gia đình dọn về Quy Nhơn sống với người anh cả, Trí và Tín vào trung học ở Quy Nhơn. Sau đó Trí ra Huế học trường Pellerin (1928-1930). Vẫn theo Nguyễn Bá Tín, sau lần bơi xa ra biển, suýt chết đuối, Hàn Mặc Tử thay đổi hẳn tâm tính, trầm lặng hơn, có vẻ đau yếu, gia đình nghi ông mắc bệnh tâm thần, Hàn Mặc Tử ít ăn, lười tắm gội và thay quần áo. Hàn Mặc Tử bắt đầu nổi tiếng năm 1931 với bút hiệu P.T (Phong Trần). Năm 1932, làm việc ở sở đạc điền Quy Nhơn, quen với Quách Tấn. 1935 vào Sài Gòn làm báo. Tháng 5/1936 người anh cả Nguyễn Bá Nhân, cột trụ của gia đình mất. Hàn Mặc Tử rời Sài Gòn về Quy Nhơn. Cuối năm 1936, in Gái quê.

Theo Nguyễn Bá Tín, ngay từ đầu năm 1935, đã thấy xuất hiện triệu chứng bệnh phong. Năm 1936, bệnh phát rõ hơn. Gia đình muốn giấu, chữa chạy riêng, tìm đến các thày thuốc bắc. Đến giữa năm 1939, thuốc bắc vô hiệu, bệnh trở nên trầm trọng, sau phải đưa vào bệnh viện Quy Nhơn và ngày 20 tháng 9 năm 1940, phải vào bệnh viện phong Quy Hoà. Quá trễ. Thuốc của một vài ông lang băm đã huỷ hoại cơ thể của Hàn. Hàn Mặc Tử mất tại Tuy Hoà ngày 11/ 11/ 1940. 28 tuổi.

Hàn Mặc Tử có nhiều bút hiệu, làm thơ từ năm 16 tuổi (1928), bút hiệu là Minh Duệ Thị. Khoảng 1930-31, đổi là Phong Trần. Từ 1935, đổi ra Lệ Thanh, sau thành Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh), và sau cùng là Hàn Mặc Tử (Hàn Mặc Tử là anh chàng bút mực), đó là theo sự giải thích của Quách Tấn. Nguyễn Bá Tín cũng cho rằng bút hiệu của anh ông là Hàn Mặc Tử, nhưng Hàn nghiã là nghèo chứ không phải là lạnh. Chế Lan Viên chọn tên Hàn Mặc Tử, vì ông bảo rằng trong lúc nói chuyện, chúng tôi gọi nhau như thế. Nhưng có những nguồn khác, như Võ Long Tê và Phạm Đán Bình, khi tìm lại báo cũ, thì thấy hai bút hiệu Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử được dùng song song trên mặt báo.

Văn bản của Hàn Mặc Tử và sách viết về Hàn Mặc Tử

Trần Thanh Mại viết cuốn sách đầu tiên, xuất bản hai năm sau khi Hàn Mặc Tử qua đời. Là nhà phê bình văn học, Trần Thanh Mại đã tập hợp được khá nhiều văn bản về Hàn Mặc Tử, qua tư liệu của Trần Thanh Địch, người em, và Trần Tái Phùng, người cháu, cả hai đều là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Nguyễn Bá Tín viết :«Tôi biết anh gửi cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng nhiều hơn hết, coi như gần đủ bộ thơ anh» (trích Hàn Mặc Tử, anh tôi, trang 64).

Hoàng Diệp, một trong những bạn thân khác của Hàn Mặc Tử, trong bài Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử (do Vương Trí Nhàn sưu tập trong cuốn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay, trang 485) cho biết: khi sách của Trần Thanh Mại ra đời vào tháng 2 năm 1942, thì Quách Tấn kiện, vì đã trích dẫn khá nhiều thơ Hàn Mặc Tử chưa in, «có hại» cho việc xuất bản thơ Hàn Mặc Tử sau này. Vụ kiện xẩy ra ở Huế, do Nguyễn Tiến Lãng, lúc ấy là Thừa phủ tỉnh Thừa Thiên, xử. Nhờ sự dàn xếp khéo léo của Nguyễn Tiến Lãng mà mọi việc được êm đẹp.

Quách Tấn là người đã giúp đỡ tiền bạc để Hàn Mặc Tử chữa bệnh. Sau khi Hàn mất, gia đình chính thức giao phó việc in thơ Hàn cho ông, Nguyễn Bá Tín viết: « Khi tôi ở Lào về thì chú Hiếu (tức Nguyễn Bá Hiếu, em út) đã chuyển giao bút tích văn thơ tất cả cho anh Tấn. Chú sợ bị lây nên không sao chép, không kiểm nhận» (sđd, trang 64). Nhưng Quách Tấn đã không làm được việc ấy, và khi chiến tranh xẩy ra, ông đã đánh mất hết toàn bộ bút tích bản thảo của Hàn Mặc Tử.

Nhờ tác phẩm của Trần Thanh Mại, mà những phần hay nhất trong thơ Hàn Mặc Tử được phổ biến từ 1942.

Ngoài tập Gái quê, do chính gia đình bỏ tiền ra in năm 1936, trong suốt những năm bệnh tật và nghèo khổ, Hàn còn phải lo tìm cách in thơ, nhưng những cố gắng của Hà Mặc Tử khi còn sống đều thất bại. Hoàng Diệp viết : « Suốt ba năm kế tiếp 1937, 1938 và 1939, ngoài sự sáng tác Hàn Mặc Tử phải mất nhiều thì giờ trong việc tìm kiếm lại tất cả những bài thơ chàng đã làm, để chuẩn bị cho việc ấn hành» (bài đã dẫn). Nhưng hai người bạn tâm giao là Quách Tấn và Trần Thanh Địch lại không có đủ tiền in. «Cuối cùng Thế Lữ xuất hiện và hứa giúp chàng hoàn thành việc ấy. Thế Lữ là một thi sĩ có danh vọng bậc nhất, thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội» (bài đã dẫn). Nhưng «Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin đầy tang tóc kết thúc công việc in thơ chàng. Thế Lữ vừa cho chàng biết rằng trên một chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của chàng đã bị bỏ quên và không tìm lại được nữa» (Hoàng Diệp, bài đã dẫn).

Các sự « đánh mất » thơ Hàn Mặc Tử này, là do định mệnh hay là cái gì khác?

Năm 1942, có Tập Thơ Hàn Mạc Tử do Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập, Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn. 1959 Tân Việt tái bản, tập hợp một số thơ Hàn Mặc Tử, nhưng còn thiếu nhiều.
1944, Tập thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng, được Ngày Mới in ở Hà Nội (An Tiêm tái bản tại Sài Gòn 1969).

Đó là tất cả nhũng gì được in trước 1945.

Ở Sài Gòn, Báo Văn làm hai số tưởng niệm Hàn Mặc Tử (1967 và 1971), Báo Văn Học, cũng có hai số đặc biệt năm 1974.

Đến 1987, Chế Lan Viên sưu tập và viết bài tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử, (nxb Văn học Hà Nội). Tuyển tập này đầy đủ hơn những tập thơ trước. Gồm một số thơ Đường luật, và trích các tập thơ Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Chơi giữ mùa trăng.

1993 Phan Cự Đệ soạn «Hàn Mặc Tử tác phẩm phê bình và tưởng niệm» (nxb Giáo Dục) tập hợp các bài viết về Hàn Mặc Tử, và tìm thêm được một số thơ nữa in trên báo cũ.

1994, Lại Nguyên Ân soạn thơ Hàn Mặc Tử, (nxb Hội Nhà văn), gồm các tập Gái quê, Chơi giữa mùa trăng, Đau thương và Xuân như ý.

1996, Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay (nxb Hội nhà văn), tập hợp ba cuốn sách của Trần Thanh Mại, Quách Tấn và Ngyễn Bá Tín và một số bài viết khác.
Tóm lại, nhờ những tác phẩm của Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Nguyễn Bá Tín, nhờ những bài viết của các bạn thân như Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Trần Tái Phùng… hoặc của những nhà nghiên cứu như Võ Long Tê, Phạm Đán Bình, v.v… mà chúng ta biết rõ tiểu sử và tác phẩm của Hàn Mặc Tử, biết những mối tình, những người yêu, biết về bệnh tật, về sự nghèo khó, và những ngày sau cùng của Hàn Mặc Tử.

Nhưng viết về thơ Hàn Mặc Tử thì có lẽ chỉ có Trần Tái Phùng, Võ Long Tê và Trọng Miên là hiểu thơ Hàn hơn cả. Về mặt văn bản thơ, thì phải 50 năm sau khi tập Gái quê ra đời, thơ của Hàn Mặc Tử mới được tìm và in lại.

Một thiên tài xuất hiện

Ngày 11/10/ 1931, trên Thực Nghiệp Dân Báo có in ba bài thơ, tựa đề : Chùa hoang, Gái ở chùa và Thức khuya, ký tên P.T (Quy Nhơn), với lời yêu cầu của tác giả : « Mấy bài thơ sau này xin cảm phiền ngài ấn hành vào báo Thực Nghiệp để chuyển giao cho Mộng Du thi xã ở Huế, rất đội ơn». Mộng Du thi xã do Phan Bội Châu chủ trì, và ba bài thơ này được cụ Phan chú ý, sau viết ba bài hoạ. Thơ Phong Trần nổi tiếng từ đó. (Xin mở ngoặc : Nhờ công lao của Nguyễn Hữu Tấn Đức và Phạm Đán Bình, nhà xuất bản Tin, đã chụp lại báo Thực Nghiệp (tài liệu in trong cuốn Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 148), mà chúng ta có được văn bản đầu tiên của ba bài thơ Hàn Mạc Tử, những văn bản in sau, người ta đã sửa lại)

Trong ba bài thơ trên, trừ bài Gái ở chùa, không có gì đặc biệt, hai bài Chùa hoang và Thức khuya, tuy làm dưới dạng Đường luật, nhưng nội dung đã khác hẳn với thơ ngâm vịnh gió trăng, hoặc thơ nói lên hào khí, của các cụ ; đã báo hiệu phong cách thơ Hàn Mặc Tử, với hai yếu tố chính: nhục cảm và thân xác, gần như cấm kỵ thời ấy.

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo
Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu ?
Réo rắt cành thông thay tiếng kệ,
Lập lòe bóng đốm thế đèn treo,
Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác,
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu
Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Trước thềm khắc khoải giọng quyên kêu (Chùa hoang)

Sự độc đáo và táo bạo đầu tiên đến ở chữ hoang trong bài chùa hoang. Nếu nói là chùa bỏ hoang thì ý nghiã khác hẳn, chùa hoang gợi sự phóng túng gần như trụy lạc. Tiếp đến những câu thơ sau, không câu nào là không thoát khỏi ý “tội lỗi”, “phạm thượng”: Chùa không sư tụng cảnh buồn teo/ Xác Phật còn đây, chuỗi phật đâu ? Dám vẽ cảnh chùa không sư với những chữ buồn teo, xác Phật thật là oái oăm, tai quái và phạm thượng. Trong tập Thơ Hàn Mặc Tử, do Quách Tấn và Chế Lan Viên chọn, in năm 1942, và sau này tất cả các bản in lại đều theo, hai chữ xác Phật được chữa lại là cốt Phật, tuy lịch sư hơn nhưng làm sai ý của Hàn Mặc Tử [không biết Quách Tấn hay Chế Lan Viên sửa, có lẽ là Quách Tấn, vì theo Nguyễn Bá Tín, thì: “Anh Tấn còn nói là thơ anh Trí không phải bài nào cũng hay đâu, mà cần phải sửa lại mới in được” (trích Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 65)]. Quách Tấn sửa thơ Hàn Mặc Tử thì hỏng vì Quách Tấn không hiểu Hàn Mặc Tử và thơ Quách Tấn lại cổ và cầu kỳ.

Tiếp đến bốn câu: Réo rắt cành thông thay tiếng kệ / Lập lòe bóng đốm thế đèn treo / Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác / Vách chán đêm suông đứng dãi dầu. Cả bốn câu là một giọng chán chường, hương lạnh, tình tàn; những chữ: Réo rắt, lập lòe, bóng đốm, hương rầu, khói lạnh, nằm ngơ ngác, vách chán, đêm suông… gợi cái im vắng khuya khoắt của xóm cô đầu, nhà chứa, hơn là không khí thanh tịnh nhà chùa.

Hàn Mặc Tử bắt đầu đời thơ của mình bằng một cuộc cách mệnh chữ nghiã và tư tưởng như thế.

Bài Thức khuya còn đi xa hơn nữa :

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an,
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn,
Khóc dùm thân thế, hoa rơi lệ,
Buồn giúp công danh, dế dạo đàn,
Trở dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn (Thức khuya)

Bài này trên tập Thơ Hàn Mặc Tử được đổi tên là Đêm không ngủ.

Thực ra hai câu đầu “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng / Thức chỉ mình ta dạ chẳng an” chỉ đứng đó làm nền cho cảnh chính: “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối / Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”. “Chí khí” chỉ là “bèo bọt” so với chuyện “chăn chiếu”, “gió mưa”. Tính chất “xác thịt” đã ẩn trong trăng và gió. Hàn Mặc Tử tạo ra hai câu thơ tuyệt vời gợi cảm và hoàn toàn mới này từ năm 1931.
Tới lúc ấy, trong thi ca Việt Nam chưa ai dám đi “tới” thế. Hết “leo song”, lại còn “rờ rẫm”, tất cả đều “nhạy cảm” cao độ. Trong bản Thơ Hàn Mặc Tử hai chữ rờ rẫm lại được sửa thành sờ sẫm, (chắc vẫn lại do bàn tay cụ Quách Tấn), vẫn lịch sự hơn, nhưng đã xoá mất cái rậm rực gồ ghề của âm r trong rờ rẫm để thay bằng cái xoàng xĩnh, nhẵn bóng của âm s trong sờ sẫm.
Trở về với vần đề “nguồn cội” của Thơ Mới.

Chúng ta đang ở ngày 11/10/ 1931, ngày hai bài thơ này xuất hiện, Hàn Mặc Tử 19 tuổi. Đến ngày 10/3/1932, Phan Khôi mới trình làng bài Tình già, được coi là bài Thơ Mới đầu tiên của thi ca Việt Nam trên Phụ Nữ Tân Văn. Và đến ngày 24/ 1/ 1933, báo Phong Hoá đăng lại, bài Tình già mới được phổ biến rộng rãi và mở đầu cho phong trào Thơ mới mà Thế Lữ là ngôi sao sáng. Phan Khôi chỉ bỏ niêm luật trong thơ cổ điển, ông viết:

Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau (Tình già, Phan Khôi, 1932).

Bài Tình già của Phan Khôi là một cái mốc lịch sử hơn là một giá trị thi ca. Về mặt nghệ thuật và tư tưởng, hai câu thơ Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối / Gió thu lọt cửa cọ mài chăn, của Hàn Mặc Tử mới thật sự đưa thi ca Việt Nam vào giai đoạn mới, thoát khỏi vòng lễ giáo gia đình và xã hội cổ, để nói đến thân xác như một thực thể để yêu, một thực thể thơ. Và cấu trúc hai câu thơ trên, mở vào không gian, cũng lại là môt hành trình mới nữa, chúng tôi sẽ giải thích thêm vấn đề cấu trúc không gian này ở những bài sắp tới.

Nhưng, Hàn Mặc Tử ngày ấy, là một vì sao khuất. Hàn không được người đương thời đánh giá cao. Không được giải thơ Tự Lực Văn Đoàn. Tập Gái quê, tập hơp những bài thơ làm trong giai đoạn đầu, từ 1931 đến 1935, in năm 1936 là một khai phá, nhưng không ai chú ý. Tập thơ sau, Đau Thương, gửi bản thảo cho Thế Lữ thì bị đánh mất!

Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan có giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử, nhưng với giọng chê bai, Vũ Ngọc Phan viết: “Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của của Hàn Mạc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái quê còn ngập ngừng… nhưng đã bắt đầu nghiêng về xác thịt:

…Ống quần vo xắn lên đầu gối,
Da thịt trời ơi! trắng rợn mình…. (…)

Đến bài Hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng” (Nhà Văn hiện đại, trang 762-763).

Chẳng biết trong bài Hát giã gạo, Hàn Mặc Tử viết gì mà bị nhà phê bình họ Vũ chê là “lợm giọng”, đến nỗi trong các bản in sau, thấy cấm tiệt, không có bài này!

Còn ông Hoài Thanh thì xếp Hàn Mặc Tử đứng hàng gần chót trong tuyển tập – Thế Lữ đứng đầu, dĩ nhiên. Hoài Thanh phê Gái quê như sau: “Gái quê- Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi” (Thi nhân Việt Nam, trang 205-206). Tóm lại cả hai nhà phê bình lớn thời tiền chiến đều không được phóng khoáng bằng cụ Phan, người đã tiếp nhận ba bài thơ đầu tiên, có tính “xác thịt” của Hàn Mặc Tử một cách thú vị, còn làm thơ vịnh lại và cụ Phan gọi Hàn Mặc Tử, lúc đó mới 19 tuổi, là “tiên sinh” (theo Nguyễn Bá Tín).

Ngày nay nhìn lại thơ văn Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể khẳng định: Hàn Mặc Tử là nhà thơ tiên phong đã đổi mới tư tưởng, đặt nền móng tưởng tượng trong thơ Việt Nam, với một quan niệm rõ ràng về thi ca, ngay từ thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Hai bài Chùa hoang và Thức đêm, đã mở về thân xác con người, và tạo ra bút pháp không gian, mà trăng, nước và khí trời là ba yếu tố nền tảng xây dựng nên vũ trụ thơ Hàn Mạc Tử. Bài Đà Lạt trăng mờ (theo Quách Tấn, làm năm 1933) đã xác định cấu trúc thơ Hàn Mặc Tử. Và với bài Đi giữa mùa trăng, quan niệm thi ca ấy được thể hiện thành lời.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống