Saturday, January 10, 2015

Đệ nhị danh ca Út Rạch Giá

186223-utRachGia-4-622.jpg
Ðệ nhị danh ca Út Rạch Giá đứng trước mái nhà lá của ông.
Ngành Mai, thông tín viên RFA

Vang bóng một thời

Vào những năm cũa thập niên 1950, miền Nam có đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, thì thời ấy cũng có đệ nhị danh ca Út Rạch Giá, đó là danh hiệu mà giới sân khấu cải lương và báo chí phong tặng. Nhưng cuộc đời sự nghiệp cũa mỗi nghệ sĩ thật khác nhau, có người may mắn giữ được phong độ suốt đời, có người chỉ vang bóng một thời, rồi tên tuổi lu mờ theo năm tháng. Nghệ sĩ Út Rạch Giá, đệ nhị danh ca miền Nam về sau còn mấy ai nhớ tới cuộc đời ông ấy ra sao?

Út Rạch Giá còn có tên là Út Dậu, khoảng tuổi Út Trà Ôn, quê quán ở Rạch Giá. Ban đầu ông lấy nghệ danh là Út Dậu, sau nổi danh là Út Rạch Giá. Năm lên 10 tuổi ông đã say mê đờn ca cổ nhạc và thường theo nhóm ca nhạc tài tử trong làng đi chơi đây đó, có nghĩa là đi theo xách đờn, mua rượu cho các nghệ nhân. Rồi ngày này qua tháng nọ ông thuộc làu nhịp nhàng, bài bản và được bạn bè dạy thêm rồi biết ca. Mặt khác ông học qua máy hát dĩa.

Năm 16 tuổi ông trốn gia đình đi theo cải lương, đoàn đầu tiên là Tân Hí Ban cũa bầu Núi. Ban đầu chỉ làm quân câm (tức chỉ đứng chớ không nói gì hết), hàng đêm cầm giáo đứng hầu vua, quan trên sân khấu, một thời gian sau mới được làm quân báo (tấu, trình), mỗi xuất hát lúc đó lãnh được 5 xu (5 xu thời đó không biết mua được gì).

Theo đoàn 3 năm, mẹ ông bắt về cưới vợ không cho đi theo cải lương nữa. Sống với người vợ mới cưới được 6 tháng, vì nhớ sân khấu quá nên bỏ vợ trốn đi theo cải lương lần thứ hai. Rõ ràng mê cải lương hơn mê vợ! Ông vào gánh Thế Nguyên, vừa học nghề vừa làm dàn cảnh, đóng vai quân sĩ. Đến năm 1952 ông được hát kép nhì, sau đó hãng dĩa Hoành Sơn và Đài phát thanh Pháp Á mời ông thu thanh nhiều bài vọng cổ 6 câu, và bài “Nhờ Mẹ Hiền” cũa soạn giả Trần Bá. Bài này đã làm tên tuổi cũa Út Dậu được khẳng định. Năm 1954 tại rạp Nguyễn Văn Hảo trong ngày giỗ Tổ cải lương, Út Dậu ca bài vọng cổ “Nhớ Mẹ Hiền” lúc cúng Tổ, được ông Trần Tấn Quốc và giới nghệ sĩ cải lương phong tặng danh hiệu Út Rạch Giá – đệ nhị danh ca miền Nam (sau Út Trà Ôn một bậc).

Từ đó đến 1961 làm kép chánh các đoàn tuồng cổ, và đến năm 1964 thì lâm bạo binh, ông không hát được nữa phải về Mỹ Tho làm tài công cho đò máy Hiệp Hưng một năm. Trong thời gian này, Út Rạch Giá gặp cô Ba Thại, lúc ấy là đào chánh cũa đoàn hát bội Bến Tre, nên ông nghỉ tài công và đi theo hát bội, hai người nên duyên từ đó.

1350325189.jpg
Danh ca Út Trà Ôn
Sau 1975 Út Rạch Giá và vợ đi đoàn Hiệp Lợi, Bến Tre, và kế tiếp làm trưởng đoàn cải lương Hàm Luông, và hát kép lão. Đến năm 1982 ông về hưu và ở lại hậu cứ cũa đoàn. Còn cô Ba Thại vợ ông đến năm 1984 bị bệnh bán thân, được vợ chồng người con gái là Ngọc Mai đem về nuôi dưỡng tại xã An Thanh Thủy, huyện Chợ Gạo – Tiền Giang. Năm 1986, Út Rạch Giá không còn ở hậu cứ cũa đoàn nữa, thỉnh thoảng đi hát chầu.


Tuy rằng trên dưới có một bậc nhưng cuộc sống lại khác xa một trời một vực. Trong khi đệ nhứt danh ca thì nhà cao cửa rộng ở Thủ Đô Sài Gòn, bên cạnh luôn có cô vợ trẻ măng đào Ngọc Bích. Lúc Út Trà Ôn cùng đào Ngọc Bích theo đoàn Thanh Minh Thanh Nga lên máy bay đi Tây, thì Út Rách Giá cùng bà vợ già là đào hát bội Ba Thại theo đoàn hát bội di chuyển xuồng ghe, hát đình hát chợ ở thôn quê làng xã. Người ta nói cái số nghèo thì dù là đệ nhị danh ca cũng vẫn nghèo!

Sau 1975 Út Trà Ôn vẫn còn chiếc Volkswagen, tuy cũ nhưng là nghệ sĩ đi xe hơi. Còn đệ nhị danh ca Út Rạch Giá thì cuộc sống nghèo nàn, cơ cực, rày đây mai đó với nghề vá xoong nồi nhôm để kiếm sống. Căn nhà vợ chồng nghệ sĩ Út Rạch Giá không được lành lặn cho mấy. Người ta không khỏi bùi ngùi khi đứng trước mái nhà lá lụp sụp, bên trong duy nhứt chỉ có một chiếc giường tre xiêu vẹo, vài cái chén, vách phên ọp ẹp, nóc nhà lổ chổ ban đêm đếm được sao trời. Bạn bè nghệ sĩ đến thăm, Út Rạch Giá nói rằng có những đêm mưa hai ông bà phải ngồi khúm núm ở một góc nhà, chờ hết mưa mới ngủ được. Từ lâu nay không nghe tin tức gì về Út Rạch Giá, không biết ông có còn mạnh giỏi.

Nhiều nghệ sĩ cũng thất nghiệp

Đâu phải chỉ đệ nhị danh ca Út Rạch Giá là bị cảnh nghèo khó bủa vây, mà nhiều nghệ sĩ cũng lâm cảnh túng thiếu nếu như không hát được.

Người ta còn nhớ chỉ nội một năm Mậu Thân 1968 thôi là giới cải lương đã điêu đứng rồi, tình trạng kéo dài thêm mấy năm lại càng bi đát hơn, đa số nghệ sĩ không còn sống được với cải lương, tìm nghề khác làm ăn, mà hầu như nghề nào cũng không vững. Thành thử ra người nào cũng khổ sở về vật chất lẫn tinh thần, mà trong đó có cả kép Hữu Phước, một nghệ sĩ tài danh mà khi xưa thiếu chi người muốn được vị thế như ông.

Khoảng năm 1972, tức là lúc mà các đào kép cải lương chỉ nhắm vào đi... đóng phim, thì cha con Hữu Phước và Hương Lan xem mòi gặp vận đen chiếu cố quá nặng, nên công chuyện làm ăn không được phát nếu không nói là túng quẫn. Nói thế không có nghĩa là cha con Hữu Phước, Hương Lan không chịu khó làm ăn, mà phải thành thật mà nói Hữu Phước cũng như Hương Lan đã đem tất cả khả năng sẵn có, phục vụ nghệ thuật để đổi chén cơm manh áo cho gia đình, nhưng vì thời cuộc không cho phép nên chuyện hát xướng đành gác lại.

Nữ nghệ sĩ Kiều Lệ Tâm từ dạo về Dạ Lý Hương lần lần lu mờ rồi vụt biến đi đâu mất. Bỗng sau Mậu Thân người ta thấy cô Kiều xuất hiện trước trường Hưng Đạo với một xe quay nước trái cây để bán cho học sinh. Thời buổi cải lương lận đận này, nếu chỉ trong cây vào việc hát xướng để sống thì có ngày cũng đói rã ruột. Rồi cũng chẳng bao lâu thì kép Việt Hùng cho biết, vợ chồng ông đành chịu thất nghiệp. Nhưng không làm nghề này thì Việt Hùng lại kiếm nghề khác vậy, ông hùn hạp với anh em tổ chức được một ga ra sửa xe tại chung cư Cô Giang. Riêng phần ông ngày ngày chạy áp phe bán xe cộ lấy lời đắp đổi. Phải kiếm thêm nghề khác thôi.

Thời đó giới am tường cải lương nói rằng bây giờ đâu phải như thời thập niên 1950 – 1960 có vấn đề bắt đào, chuộc kép, nghệ sĩ được ký giao kèo. Giờ đây giữa thời kỳ mà nghệ sĩ tên tuổi, ăn khách còn bữa hát bữa không, thì những anh kép không còn thu hút được khán giả mua vé đi coi bị thất nghiệp là đương nhiên. Bầu gánh đâu có dại gì kêu hát để phải trả lương đêm. Tiền khó kiếm quá mà.

Và đến con phượng hoàng bán hủ tiếu trứng cút, một nghề bất đắc dĩ mà Lê Thanh Các phải làm. Người ta còn nhớ Lê Thành Các từng vang danh một thời là tay đua xe đạp số 1, được người đời tặng cho biệt danh “con phượng hoàng”. Bà xã cũa anh lại là đào hát Ngọc Tín, và con gái là Bo Bo Hoàng từng đi hát cho đoàn Thủ Đô. Gặp lúc cải lương xuống dốc, vợ chồng Lê Thành Các ra Vũng Tàu lập quán hủ tiếu trứng cút ngay trước mặt rạp hát Duy Tân.

Cũng là nghe lời người ta ào ào mượn vốn gần nửa triệu bạc nuôi cút, đến khi cút mình đẻ được rồi thì trứng bán 5 đồng một hột cũng không ai mua, thành ra nợ nần còn đăng đăng đê đê đó, vợ chồng phải lo mở quán hủ tiếu kiếm ăn. Gặp bạn bè ông thường nói: Tại cút nó hại tôi! Bây giờ không bán hủ tiếu trứng cút thì mang bán cho ai đây? Có lẽ hình như Tổ nghiệp không còn chìu đãi người nghệ sĩ yêu nghề như thuở xưa nữa.

No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống