Thursday, November 22, 2012

Câu chuyện “canh gà”

Chương trình VHNT kỳ này xin giới thiệu bốn câu thơ đơn giản nhưng lại là đề tài cho nhiều câu chuyện bên lề khó quên. Hai chữ “canh gà” trong câu thơ vốn mang ý nghĩa là thời khắc vào ban đêm thì lại được không ít người diễn giải trệch ra thành một món canh thịt gà, có nguồn gốc từ xóm Thọ Xương Hà Nội.

Mc Lâm, biên tp viên RFA
Đền Trấn Vũ (Trấn Võ) ở Hà Nội.
Trong kho tàng văn học Việt Nam bốn câu thơ:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ
đã được rất nhiều người, nhiều thế hệ nhớ tới như một phẩm vật văn hóa quý giá được lưu truyền trong dân gian.
Bốn câu thơ đơn giản này lại là đề tài cho nhiều câu chuyện bên lề khó quên. Hai chữ “canh gà” trong câu thơ vốn mang ý nghĩa là thời khắc vào ban đêm thì lại được không ít người diễn giải trệch ra thành một món canh thịt gà, có nguồn gốc từ xóm Thọ Xương Hà Nội. Từ những ý tưởng trái nghịch này, hai chữ canh gà ra tới hải ngoại với một căn cước mới bằng tiếng Anh là “chicken soup”, từ đó nhiều khi người đọc bối rối không biết cái bát súp gà kia tại sao lại chiếm thời gian của nhiều người đến thế.
Thật ra điểm mấu chốt của bài thơ khiến người ta thường lầm lẫn vì nghĩ rằng nó là bốn câu ca dao được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Tác giả của bốn câu thơ thân quen này là ai và điều gì làm cho nó nổi tiếng như vậy?
Mặc Lâm mời quý vị theo dõi câu chuyện này qua cuộc trao đổi giữa chúng tôi và TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện để tìm hiểu thêm về một tác giả mà chính ông Diện do cơ duyên trong khi đi nghiên cứu đã tìm thấy câu trả lời thú vị từ một dòng họ nức tiếng của đất Hà Thành.

Của tác giả Dương Khuê

tho-nom-200.jpg
4 câu thơ chữ Nôm được viết
trong Vân Trì thi thảo, chữ 'canh' được
đánh dấu bằng vòng tròn đỏ.
Photo courtesy of blog
Nguyễn Xuân Diện.
Mặc Lâm: Thưa xin chào TS. Như chúng ta đã biết vài ngày qua dư luận đã dấy lên một cơn lốc phản ứng trước việc một cô giáo bỏ qua chi tiết sai trong một bài luận văn của một học sinh khi em này viết rằng “canh gà Thọ Xương” là một món canh gà rất ngon. Cô giáo này cho biết là do sơ ý chứ không phải vì thiếu kiến thức hay chủ quan trong vấn đề giảng dạy.
Nhân câu chuyện lầm lẫn này chúng tôi được biết TS là người có cơ may tiếp cận được với các văn bản có liên quan đến bài thơ này từ rất sớm chứng minh bốn câu thơ này là của một tác giả uyên thâm, đó là cụ Dương Khuê chứ không phải là ca dao như nhiều người thường nghĩ. Câu chuyện bắt đầu như thế nào thưa TS?
TS Nguyễn Xuân Diện: Khoảng năm 1993 tôi có đưa một bạn sinh viên của ngành Hán Nôm tới Vân Đình tức là thủ phủ của huyện Ứng Hòa mà ngày xưa là huyện Ứng Thiên, bây giờ là huyện Ứng Hòa của Hà Nội để làm một bài luận văn tốt nghiệp đại học về sự nghiệp giáo dục của Dương Lâm, vì lúc ấy tôi cũng tranh thủ nghiên cứu về thơ văn của các tác giả họ Dương.
Ở đây nhân vật mà tôi muốn đề cập đến là tác giả Dương Khuê. Ngoài chuyện quan tâm đến ca trù thì tôi có để ý đến một số thơ văn khác của cụ nghè Vân Đình tức là cụ Dương Khuê.
Lúc bấy giờ một cụ trưởng tộc họ Dương đã trao cho chúng tôi một bản photo của cuốn Dương Gia Phả Ký. Cuốn Dương Gia Phả Ký này là một bản đánh máy bằng chữ quốc ngữ trên giấy Tây do Dương Thiết Cương vào cuối mùa hạ Quý Sửu tức là năm 1943 và đã được một nhà nghiên cứu về gia phả học rất nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 do Nhã Lan Nguyễn Đức Dụ in ấn. Cuốn Dương Gia Phả Ký này gồm có 122 trang, ngoài việc chép các sinh hoạt của gia tộc họ Dương bắt đầu từ cụ Dương Phan thì còn chép rất nhiều thơ văn, đối liễn của các tác giả họ Dương này.
Bắt đầu từ trang 106 thì có chép thi ca của cụ Dương Khuê, tức cụ nghè Vân Đình biệt hiệu là Vân Trì. Cũng ngay trang này ở bài thứ hai thì có bài Hà Thành Tức Cảnh có bốn câu thơ có một vài chữ khác với bài thơ mà chúng ta vẫn thường bắt gặp đó là:
Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

Căn cứ vào đề từ của bài thơ chúng ta thấy Hà Thành ở đây tức là Hà Nội và như vậy Thọ Xương là địa danh thuộc Hà Nội.
Mặc Lâm: Thưa xin được ngắt lời TS, còn chữ An Thái thì có người cũng viết là Yên Thái, có gì khác  nhau giữa hai danh từ này?
TS Nguyễn Xuân Diện: Trong văn bản viết thì An Thái thực ra là Yên Thái vì trong chữ Hán thì chữ An và chữ Yên viết là một chữ nhưng có hai âm đọc. Đấy là cái văn bản mà chúng tôi được thấy bài thơ này trong Dương Gia Phả Ký và từ đó đến nay thì luôn luôn chúng tôi để ý tìm trong các thi văn của các tác giả họ Dương ở Vân Đình. Trong kho sách của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm cũng như trong các trang thư cá nhân khác, tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy bài thơ này viết bằng văn bản Hán Nôm.
Trong cuốn “Tâm trạng Dương Lâm - Dương Khuê” xuất bản lần đầu vào năm 1995 và tái bản năm 2005 của tác giả Dương Thiệu Tống, cụ là giáo sư Tiến sĩ và là cháu nội của cụ Dương Lâm đã cho biết bài thơ đó chép theo Dương Gia Phả Ký và cuốn luận đề về Dương Khuê mà cuốn này lại do Nguyễn Duy Diễn xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1960.
Như vậy ngay từ năm 1960 thì tài liệu luận đề về Dương Khuê đã khẳng định Hà Thành Tức Cảnh là của Dương Khuê nhưng lần giở xa xôi hơn nữa thì trong cuốn Văn Đàn Bảo Giám là tuyển tập thi ca do Trần Trung Duyên sưu tập, cụ Dương Bá Trạc đề tựa, sau đấy cụ Tản Đà cũng đề tựa vào năm 1934 có ba tập xuất bản từ năm 1926. Cho đến năm 1938 thì trọn bộ. Bài Hà Thành Tức Cảnh được chép trong các sách đó cũng ghi tác giả là Dương Khuê. Văn Đàn Bảo Giám xuất bản sau khi Dương Khuê tạ thế khoảng 2-30 năm. Như vậy khi Văn Đàn Bảo Giám xuất hiện thì các con cháu của các cụ Dưong Lâm và Dương Khuê vẫn còn đang sống và do đó rất đáng tin.
Tôi cho rằng bài thơ Hà Thành Tức Cảnh mà sau đó người ta cứ tưởng là một bài ca dao thì đích thực là của tác giả Dương Khuê.
Mặc Lâm: Thưa TS nhiều người rất bối rối vì sự xuất hiện của câu thơ khác hẳn những gì mà chúng ta đang bàn ở đây vì địa danh thì gống nhưng địa điểm danh thắng thì hoàn toàn khác đó là câu:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.

TS có giải thích thế nào về cái khác nhau giữa Trấn Võ và Thiên Mụ?
TS Nguyễn Xuân Diện: Khi người ta đọc câu:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ…

Theo như cụ Hoàng Đạo Thúy thì nói bài này ở Hà Nội, thế nhưng trong một bút ký của học giả Phạm Quỳnh trong những ngày ở Huế có tả một đoạn nói về Thiên Mụ và học giả Phạm Quỳnh có bình là: “cả hồn thơ xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là cái danh lam có tháp bảy tầng ở ngay bờ sông Hương. Làng Thọ Xương thì ở bên kia song, ban đêm nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng giữa khoảng trời nước long lanh mà cảm, đọc thành câu ca ấy mới rõ cái tính tình người xứ Huế”.
Như vậy cụ học giả Phạm Quỳnh đã dùng ý tứ của cụ Dương Khuê để viết lại cho hợp với địa danh của Huế có chùa Thiên Mụ và làng chài Thọ Xương, hay còn gọi là Thọ Khương, hay Thọ Cương, hoặc là Long Thọ Cương. Theo như nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thanh của Viện Hán Nôm thì cho rằng Phạm Quỳnh viết dựa trên câu thơ của Dương Khuê hoặc từ kinh nghiện văn hóa dân gian bản địa.
Đấy là quá trình truyền bản của mấy câu thơ liên quan đến
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương…

Không phải 'canh gà'

Mặc Lâm: Sau khi cô giáo dạy văn cho điểm tám đối với bài viết về canh gà của một học sinh mô tả đây là loại súp gà rất ngon thì dư luận lại đưa ra nhiều câu chuyện minh chứng cho bài viết của em học sinh này là đúng.
ho-tay-250.jpg
Hồ Tây Hà Nội. Photo courtesy
of blog Nguyễn Xuân Diện.
Đáng chú ý là một bài viết cho rằng còn trong thư viện của Viện Hán Nôm với ký hiệu hẳn hoi cũng của cụ Dương Khuê tên là “Vân Đình Tiến sĩ Dưong Khuê Thượng thư Tiên sinh”, nhưng cụ kể câu chuyện của mình về hai chữ “canh gà” là do cụ viết ca ngợi món canh gà rất ngon tại ngõ Thọ Xương Hà Nội. Việc này thực hư thế nào thưa TS?
TS Nguyễn Xuân Diện: Mấy người trên mạng nói là đã đến Viện Hán Nôm và tìm cuốn này với ký hiệu là A2185, trong đó có chép bài thơ gọi là Tối Ức Thọ Xương Thang tức là nhớ nhất món canh Thọ Xương của cụ Dương Khuê. Đấy chỉ là những điều họ bày đặt ra cho vui vẻ trong thời gian căng thẳng như thế này thôi chứ không phải là một câu chuyện thật.
Mặc Lâm: Cũng có một câu chuyện trên mạng kể rằng bốn câu thơ này nói về món canh gà trong thực đơn của nhà văn Vũ Bằng vì nhà văn này từng nổi tiếng với những món ngon Hà Nội… Câu chuyện này rõ ràng là khó tin vì nhà văn Vũ Bằng chỉ là một hậu bối so với sự xuất hiện của bốn câu thơ này. TS thấy sao?
TS Nguyễn Xuân Diện: Có người cho rằng canh gà là một món ăn nhưng không ai đưa ra một tác phẩm nào chứng minh rằng đúng là món canh gà trong câu thơ này. Có một tác giả là Lê Quang, kể một câu chuyện rất lâm ly khi ông ấy đến gặp một cụ già năm nay đã 95 tuổi cho biết là ngày xưa đã giao du với Nguyễn Bính, Đinh Hùng và các nhà thơ khác.
Tác giả Lê Quang kể một câu chuyện là khi ông ấy đến hỏi cụ già ấy về canh gà Thọ Xương thì cụ ấy đã rón rén mở một tập tài liệu ra trong đó có những trang thủ bút của nhà văn Vũ Bằng đã hoen mực và ông ấy viết là Canh gà Thọ Xương là một cái tên trong các món ăn Hà Nội lúc bấy giờ.
Tất nhiên người cung cấp câu chuyện không có một bức ảnh cho thấy cái gọi là thủ bút ấy của nhà văn Vũ Bằng. Khi công dân mạng người ta dồn quá thì anh này thú nhận là anh ta bịa ra cho vui thôi.
Mặc Lâm: Để kết thúc câu chuyện về canh gà hôm nay theo TS thì chi tiết văn chương nào chứng minh rằng canh gà Thọ Xương là nói về thời gian mà hoàn toàn không dính líu gì tới món ăn như những người thích đùa nêu ra …
TS Nguyễn Xuân Diện: Trong tình hình hiện nay chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn là bốn câu thơ này vốn xuất phát từ bốn câu:
Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

vốn là của Vân Trì Dương Khuê người ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội.
Trong câu Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương thì nó đã dựng lên một tiểu đối trong phép làm thơ lục bát rất đẹp. “Tiếng chuông Trấn Võ” đối với “Canh gà Thọ Xương”. Tiếng chuông gồm có chuông sáng và chuông chiều nói về quy định  thời gian trong nhà chùa. Canh gà thì nói về thời khắc chia thời gian trong đêm. Như vậy tiếng chuông Trấn Võ là một cách để người ta chỉ thời gian của sinh hoạt về tôn giáo. Canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy trong các vùng quê ven Hồ Tây thì đấy là tiếng báo giờ trong dân gian, nó tạo nên một tiểu đối và cả bài thơ tả một cảnh yên bình, đẹp đẽ và thơ mộng của Hồ Tây chứ không thể lẫn vào món canh gà như là bát canh, bát súp gà được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện.
Thưa quý thính giả, vậy là chúng ta có thể yên tâm khi đã có tài liệu khả tín về bốn câu thơ dễ thương này. Hy vọng rằng từ nay, mỗi khi nghe tiếng võng kẽo kẹt trưa hè của ai đó đưa con bằng bốn câu lục bát chân phương này chúng ta sẽ không nghe mùi hương ngào ngạt từ một chị gà mái nào đó mà thay bằng mùi hương hoa bưởi, hoa lài của một Hà Nội lung linh tiếng chuông chùa Trấn Võ.
Dù hiểu bài thơ bằng cách nào cũng cho thấy tình yêu thương của người dân ba miền đã thấm đẫm cái hồn cốt Trấn Võ, Thọ Xương vào sâu trong đời sống của họ. Yên Thái tuy ngày nay không còn tiếng chày vào buổi sáng mịt mùng nhưng Tây Hồ vẫn đời đời lung linh sắc xám của những buổi sáng đẫm sương Hà Nội.


No comments :

Post a Comment


 Tục ngữ & Thành ngữ

 Nghệ Thuật Sống